Thực hiện chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh, thành phố trong cả nước đang tích cực triển khai xây dựng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai để lấy ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi tích hợp vào quy hoạch tỉnh.
*Ổn định quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp Trong phương án phân bổ đất đai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Hà Giang xác định: Ổn định quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp, đảm bảo ổn định diện tích đất trồng lúa (đặc biệt là diện tích đất chuyên trồng lúa), duy trì và bảo vệ diện tích rừng hiện có, phát triển rừng và sản xuất lâm nghiệp theo quy hoạch được phê duyệt. Hạn chế đến mức thấp nhất chuyển đổi đất nông nghiệp trồng 2 vụ lúa sang phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu đô thị. Hà Giang xác định khai thác sử dụng đất đi đôi với cải tạo, bồi bổ, làm giàu quỹ đất, có mô hình canh tác hợp lý khai thác đất dốc, chống xói mòn, rửa trôi, thoái hoá đất, gắn lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường đất, cảnh quan thiên nhiên. Đảm bảo quỹ đất cho nhu cầu phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các công trình phúc lợi công cộng, phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn là nguyên tắc trong việc phân bổ đất đai thời kỳ 2021-2030 của Hà Giang. Bên cạnh đó, tỉnh bố trí quỹ đất hợp lý để phát triển các khu, cụm công nghiệp tại các vị trí phù hợp và phải đảm bảo vệ sinh môi trường; Đảm bảo quỹ đất cho an ninh, quốc phòng, việc khai thác sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội cần phải gắn với vấn đề quốc phòng, an ninh, quán triệt phương châm kết hợp kinh tế với quốc phòng. Tỉnh Hà Giang cũng quan tâm việc khai thác quỹ đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng cho các mục đích nông nghiệp và phi nông nghiệp; bố trí các khu vực đất quốc phòng dự trữ tại các vị trí chiến lược đã được lựa chọn, không cho phép chuyển mục đích sang các loại đất khác nhằm đảm bảo khi có nhu cầu, nhà nước có thể trưng thu, trưng dụng thuận tiện và nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu chiến sự. Tổng diện tích tự nhiên tỉnh Hà Giang là 792.955,02 ha, trong đó: sử dụng vào mục đích nông nghiệp là 674.745,02 ha, chiếm 85,11%; sử dụng vào mục đích đất phi nông nghiệp là 38.973,09 ha chiếm 4,92%; đất chưa sử dụng còn 79.036,91 ha chiếm 9,97% diện tích tự nhiên. Theo kết quả điều tra, tỉnh Hà Giang, gồm có 7 nhóm đất chính, với 22 loại đất.
* Tăng diện tích đất cho công nghiệp, giao thông, đô thị Đó là trọng tâm ưu tiên trong phương án khoanh vùng đất đai của tỉnh Bình Phước giai đoạn tới. Tỉnh Bình Phước nhấn mạnh, việc phân bổ khoanh vùng nhằm đảm bảo các vùng đất, các khu chức năng, các loại đất được xác định rõ ràng cho từng mục đích, từ đó đảm bảo cho sự phát triển nhiều mặt dựa trên tiềm năng đất đai của tỉnh. Theo báo cáo của đơn vị tư vấn, đến năm 2020, tổng diện tích đất tự nhiên của Bình Phước là 687.356ha, trong đó đất nông nghiệp 616.307ha, đất phi nông nghiệp 70.976ha, đất chưa sử dụng 73ha. Theo chỉ tiêu quy hoạch kế hoạch sử dụng đất quốc gia phân bổ trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021-2030, diện tích đất nông nghiệp là 595.170 ha, đất phi nông nghiệp 92.113 ha, đất chưa sử dụng 73 ha, đất khu kinh tế 28.364 ha, đất khu đô thị 58.392 ha. Theo nhu cầu sử dụng đất của tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, diện tích đất nông nghiệp là 584.453ha, giảm 10.717 ha so với chỉ tiêu phân bổ; diện tích đất phi nông nghiệp 102.830 ha, tăng 10.717 ha so với phân bổ. Xác định các loại đất cần chuyển mục đích Tại cuộc họp bàn về phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai cấp tỉnh trong Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận mới đây, Sở TN&MT tỉnh cho biết: Giai đoạn từ nay đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận sẽ phân bổ chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất, cơ cấu sử dụng đất tỉnh giai đoạn 2021-2025 gồm đất nông nghiệp 287.049 ha (85,55%), đất phi nông nghiệp 43.681 ha (13,02%) và đất chưa sử dụng 4.804 ha (1,43%). Trên cơ sở đó, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng cả phương án phân bổ diện tích các loại đất cần chuyển mục đích trong nội bộ đất nông nghiệp, diện tích đất nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp 8.240 ha, diện tích đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở 185 ha, đưa diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng 4.191 ha. Tại cuộc họp các đơn vị, sở ngành, địa phương đã góp ý bổ sung thống nhất chỉ tiêu phân bổ. Phù hợp với quy hoạch, chiến lược của tỉnh Mới đây nhất, UBND tỉnh Thái Bình cũng tổ chức cuộc họp bàn về kế hoạch phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quan điểm của tỉnh Thái Bình, phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai tỉnh phải phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng trong “Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của cả nước, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; bảo đảm tính khả thi, khoa học, khách quan, công khai, minh bạch; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, kết nối liên thông; việc sử dụng đất được thực hiện tiết kiệm, hiệu quả. Tỉnh Thái Bình cũng xác định thứ tự ưu tiên trong việc phân bổ đất, trong đó có đất với chức năng phục vụ các khu công nghiệp theo lộ trình, đất bổ sung khu đô thị mới nằm trong quy hoạch Khu kinh tế Thái Bình hoặc đất quy hoạch cho các khu du lịch sinh thái…