Tạo ý thức cho người dân phân loại
Mới đây, trả lời kiến nghị của cử tri về việc dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định, thu tiền rác thải sinh hoạt từ bình quân đầu người sang khối lượng hoặc dung tích túi đựng rác có thể dẫn đến tình trạng vứt rác nơi công cộng, Bộ TN&MT cho rằng: Một trong những nguyên nhân dẫn đến bất cập trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt là do chúng ta chưa thực hiện được việc phân loại tại nguồn và chưa áp dụng được triệt để nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.
Trong khi đó, hầu hết kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt được chi trả gần 100% bởi ngân sách nhà nước. Việc thu nguồn kinh phí này tại các địa phương được thực hiện thu bình quân theo hộ gia đình, một số địa phương thu theo số nhân khẩu của hộ gia đình mà chưa thu theo thực tế khối lượng chất thải phát sinh hoặc các loại chất thải phát sinh. Điều này dẫn đến không khuyến khích việc giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải phát sinh, đồng thời không khuyến khích việc phân loại chất thải tại nguồn.
Khi quy định kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt thông qua lượng phát sinh (bảo đảm có thể thanh toán được tối thiểu là 10% kinh phí, phần còn lại do nhà nước hỗ trợ) thì việc phát sinh nhiều chất thải đồng nghĩa với việc phải trả nhiều tiền hơn, do đó sẽ khuyến khích tổ chức, cá nhân giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế lượng chất thải phải thải ra môi trường, đồng thời thực hiện được nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.
Kinh nghiệm tại các nước trên thế giới, đặc biệt tại Hàn Quốc sau một năm thực hiện chính sách này đã giảm được 22% lượng chất thải rắn sinh hoạt so với trước khi chưa có chính sách này. Còn tại Nhật, thành phố Kyoto và một số địa phương đã thực hiện tính phí đổ rác theo kg. Việc tính phí có tác dụng làm cho người dân có lối sống thân thiện với môi trường, hạn chế rác thải.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, phải quy định phân loại rác thải từ nguồn từng hộ gia đình để tạo nếp chứ không phải đợi tới nhà máy mới phân loại. Tuy nhiên, muốn làm được phải có điều kiện, trong đó cần chiến dịch truyền thông nâng cao ý thức cũng như có những cách thức tạo thuận lợi, khuyến khích người dân.
Người dân đồng tình
Đề xuất mới của Bộ TN&MT cũng được một số doanh nghiệp xử lý rác đồng tình ủng hộ. Theo đại diện Công ty TNHH Tài Tiến (TP.Biên Hòa), đề xuất thu tiền rác sinh hoạt theo khối lượng sẽ đảm bảo công bằng hơn cho các hộ gia đình, giúp các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư công nghệ cho xử lý rác. Tuy nhiên, khi triển khai, Nhà nước phải tính toán khối lượng rác thải bình quân của từng người, từng độ tuổi, trên cơ sở đó xây dựng giá thu gom cho phù hợp. Cùng với đó, phải tìm “đầu ra” cho từng loại rác và có cơ chế khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn.
Còn đối với người dân, bà Vũ Phương Liên, cử tri phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội nêu ý kiến: Thời gian tới, chúng ta sẽ có sự thay đổi, nâng cao nhận thức của người dân về việc phân loại rác tại nhà. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ vì điều đầu tiên, mỗi người dân phải thấy rằng điều đó có ý nghĩa thiết thực cho cuộc sống của bản thân, đẹp hơn thủ đô và đặc biệt xã hội ta ngày càng phát triển văn minh.
Ông Nguyễn Văn Trình, cử tri quận Cầu Giấy bày tỏ: Việc ra luật yêu cầu dân phân loại rác và trả phí theo trọng lượng là đúng, hợp lý, phù hợp với xu hướng trên thế giới. Nếu không có quy định rõ ràng chỉ dựa vào ý thức của người dân thì khó thực hiện tốt phân loại và như vậy, vấn đề rác thải không thể xử lý triệt để.
Đảm bảo tính khả thi
Để quy định này đi vào cuộc sống, đảm bảo tính khả thi, dự thảo Luật cũng đưa ra một số quy định. Cụ thể, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể lộ trình, hình thức và mức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh; đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại và không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật;
Bên cạnh đó, tổ dân phố, tổ chức chính trị xã hội phối hợp đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt hướng dẫn, vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị thu gom, vận chuyển hoặc điểm tập kết đúng quy định; giám sát và công khai hành vi vi phạm của hộ gia đình, cá nhân trong phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt.
Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo thẩm quyền.
Về lộ trình thực hiện, Dự án Luật giao UBND cấp tỉnh quy định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên lượng, chủng loại chất thải phát sinh trước ngày 1/1/2025.
BBT (Nguồn: Báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn