Tăng cường quản lý Nhà nước bảo vệ môi trường đối với đầu tư điện mặt trời
Phát triển năng lượng tái tạo, gồm điện mặt trời đang được quan tâm đầu tư phát triển. 10 năm trở lại đây, năng lượng mặt trời đang được khai thác tích cực, dẫn đầu xu thế tái tạo năng lượng; là nguồn năng lượng tái tạo tiềm năng lớn và bền vững. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Các quy định về quản lý, phát triển năng lượng điện mặt trời cần được từng bước chuẩn hóa, phù hợp với xu thế phát triển
Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư điện mặt trời Hiện nay, tất cả các dự án đầu tư xây dựng nhà máy phong điện, quang điện có quy mô diện tích từ 200ha trở lên phải lập báo báo đánh giá tác động môi trường. Còn đối với các dự án có diện tích từ 50ha đến dưới 200ha phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường. Đối với các dự án quy mô nhỏ dưới 50ha thì không phải thực hiện các trình tự, thủ tục về đánh giá tác động môi trường cũng như kế hoạch bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều địa phương có các dự án điện mặt trời áp mái có quy mô nhỏ (phần lớn khoảng 1MWp), không thuộc đối tượng phải thực hiện các thủ tục pháp lý về quy trình đánh giá tác động môi trường. Nhiều chuyên gia cho rằng - khi cơ quan chuyên môn không lường trước được cũng như đánh giá trước các tác động về môi trường đối với pin mặt trời khi hết hạn – thì có khả năng xảy ra các hệ luỵ về môi trường. Dự án đầu tư nhà máy điện mặt trời phải thực hiện quy định về đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Theo đó, dự án đầu tư xây dựng nhà máy quang điện có quy mô diện tích từ 200ha trở lên phải lập báo báo đánh giá tác động môi trường và dự án có diện tích từ 50ha đến dưới 200ha phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường. Mặc dù các dự án quy mô nhỏ dưới 50ha không phải thực hiện các trình tự, thủ tục về đánh giá tác động môi trường cũng như kế hoạch bảo vệ môi trường, nhưng vẫn phải thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ 2 môi trường và Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại. Đồng thời việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý pin mặt trời khi hết hạn sử dụng vẫn phải được thực hiện theo các quy định nêu trên.
Bảo vệ môi trường đối với tấm pin năng lượng mặt trời thải bỏ Thời gian gần đây, nhu cầu sử dụng điện năng lớn nên nhiều dự án điện năng lượng mặt trời được triển khai tại khu vực miền Trung và miền Nam nước ta. Thành phần chính của các tấm pin năng lượng mặt trời bao gồm khung nhôm, kính cường lực, màng bảo vệ, pin, tấm nền, dây dẫn và hộp kết nối. Đồng thời, tuổi thọ trung bình của các tấm pin năng lượng mặt trời từ 10 đến 20 năm, tùy thuộc vào địa điểm và môi trường khu vực triển khai dự án. Theo một số nghiên cứu trên thế giới, việc sử dụng pin năng lượng mặt trời có thể gây ra một số tác động về mặt môi trường như chiếm diện tích đất và gây ô nhiễm nhiệt, tác động đến thị giác của con người ... Việc sản xuất pin của tấm pin năng lượng mặt trời có sử dụng một số kim loại nặng như Cd, Si, ... có ảnh hưởng nhất định đến việc khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên do các pin này với công nghệ sản xuất hiện nay có tuổi thọ ngắn. Về tổng thể, pin năng lượng mặt trời thải bỏ nếu chôn lấp không đúng quy định thì có khả năng gây ô nhiễm môi trường đất, nước do phát sinh kim loại nặng hoặc phát sinh khí thải độc hại có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của con người trong trường hợp xảy ra cháy. Tuy nhiên, thực chất tấm pin năng lượng mặt trời là sản phẩm có chức năng hấp thu năng lượng từ ánh sáng mặt trời (quang năng) và chuyển hóa thành điện năng, khác về tính chất với các loại pin, ắc quy khác là có chức năng tích điện. Quy định bảo vệ môi trường đối với dự án điện mặt trời áp mái Đối với các dự án điện mặt trời áp mái có quy mô nhỏ dưới 50ha thì chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục về đánh giá tác động môi trường cũng như kế hoạch bảo vệ môi trường, nhưng vẫn phải thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại theo quy định. Việc các nhà đầu tư triển khai các dự án điện mặt trời, phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo và việc các nhà sản xuất, phân phối tiến hành thu hồi các tấm pin năng lượng sau khi hết hạn sử dụng để tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải là hoạt động được khuyến khích, phù hợp với chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 3 Điều 5 của Luật BVMT năm 2014. Tuy nhiên, các địa phương cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thu gom chất thải để đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn. Trường hợp cần thiết, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để giám sát việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý các tấm pin năng lượng sau khi hết hạn sử dụng từ các nhà sản xuất, nhà phân phối theo quy định. Quy trình xử lý chất thải tấm pin năng lượng mặt trời Việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ hiện nay được quy định tại Điều 87 Luật Bảo vệ môi trường 2014, Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2015 và Thông tư số 34/2017/TT-BTNMT ngày 04 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, các nhà sản xuất các sản phẩm thuộc danh mục quy định phải thu hồi sản phẩm thải bỏ do mình đã bán ra thị trường Việt Nam sau đó tổ chức xử lý sản phẩm thải bỏ đã thu hồi theo quy định về quản lý chất thải theo các hình thức như trực tiếp xử lý; chuyển giao cho các đơn vị xử lý chất thải trong nước có chức năng phù hợp; xuất khẩu ra nước ngoài để xử lý; tái sử dụng hoặc các hình thức khác theo quy định. Mặt khác, theo quy định tại Điều 55 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 22), các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý phải đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động xử lý chất thải và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Theo đó, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu cho Chính phủ xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó sẽ đề xuất đưa sản phẩm tấm pin mặt trời vào danh mục các sản phẩm mà các nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện thu hồi, tái chế. Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang giao Tổng cục Môi trường chủ trì xây dựng Thuyết minh đề tài khoa học và công nghệ “Nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn và đề xuất giải pháp quản lý, xử lý tấm pin năng lượng mặt trời thải”; cơ sở để xem xét ban hành Hướng dẫn kỹ thuật về xử lý, tái chế tấm pin năng lượng mặt trời thải.