Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường
Tại Hội thảo trực tuyến với hơn 60 điểm cầu tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 14/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, vai trò của các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường chính là giải pháp then chốt nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay.
Cùng dự có Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng.
Đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với nhiều nội dung mang tính đột phá. Một trong những nguyên tắc quan trọng của Luật là BVMT phải được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; môi trường không chỉ là không gian sinh tồn của con người, mà còn là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững; bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tham gia công tác BVMT. Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, Bộ TN&MT đã tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Dự thảo Nghị định để bảo đảm tính thống nhất giữa các quy phạm; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế của một số nước trên thế giới và khu vực đối với các quy định mới nhằm đưa ra các đề xuất phù hợp với công tác quản lý môi trường tại Việt Nam; tổ chức làm việc với từng Bộ, ngành có liên quan để hoàn thiện các nội dung cũng như tham vấn các quy định có liên quan trong Dự thảo Nghị định. Bộ TN&MT đã tổ chức các cuộc họp Ban soạn thảo, tham vấn tổ chức, chuyên gia có liên quan. Bản dự thảo Nghị định này đã được Bộ TN&MT gửi đăng lấy ý kiến rộng rãi của tổ chức, cá nhân trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ TN&MT cũng như gửi lấy ý kiến chính thức của các Bộ, ngành và địa phương. Cụ thể, Dự thảo Nghị định đã bám sát một số quan điểm là bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và Luật BVMT 2020, các văn bản Luật khác có liên quan; thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác trong hệ thống pháp luật hiện hành; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Cùng với đó, bảo đảm phù hợp với thực tế, tính hợp lý, nâng cao tính minh bạch, tính khả thi và chủ trương cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành. Kế thừa, phát triển những quy định còn phù hợp của pháp luật về BVMT hiện hành; bổ sung những quy định mới để khắc phục một cách cơ bản các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế của pháp luật về BVMT hiện hành. Xây dựng các quy định bảo đảm tính đầy đủ, chi tiết, có tính khả thi để triển khai thi hành Luật BVMT, bảo đảm sự phù hợp và thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan như pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng, tài nguyên nước, khoáng sản, đất đai, thuế, phí… góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Làm rõ các nội dung quản lý, xác định rõ vai trò, vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý Nhà nước về BVMT; bảo đảm sự phân công, phân cấp rõ ràng trong quản lý nhà nước về BVMT; tăng cường phân cấp cho địa phương. Cộng đồng doanh nghiệp là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp BVMT Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Luật BVMT xác định cộng đồng doanh nghiệp là nhân tố đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp BVMT, do đó, Luật đã có nhiều quy định mới, thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định đã được quy định trong Luật. Việc thực hiện tốt công tác BVMT không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế và đảm bảo phát triển bền vững. Phát huy được vai trò của các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường chính là giải pháp then chốt nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay. Để Hội thảo đạt được mục tiêu đề ra, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận góp ý về những vấn đề chung có tính bao quát của dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật BVMT đến những vấn đề cụ thể được quy định trong từng chương, điều, khoản của dự thảo Nghị định.. Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu thảo luận và thống nhất những chủ trương quan trọng trên góc độ nhìn nhận của các doanh nghiệp để Nghị định khi đưa ra tạo được sự đồng thuận cao; vừa đảm bảo tính khoa học, đơn giản, rút ngắn các quy trình thủ tục, nhưng vẫn gắn được trách nhiệm của cơ quan các cấp, đối tượng sử dụng và đảm bảo được mục tiêu BVMT.. Bên cạnh đó, các đại biểu cần tập trung góp ý kỹ hơn đối với các nội dung thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp sẽ phải thực hiện sau khi Nghị định được ban hành và có hiệu lực. Đó là đặt lợi ích chung của môi trường đất nước lên hàng đầu. “Các ý kiến trao đổi này sẽ là những đóng góp quý báu giúp Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện các quy định của dự thảo Nghị định, bảo đảm sớm đưa các quy định của Luật đi vào cuộc sống, phù hợp với tâm tư nguyện vọng và lợi ích chính đáng của quần chúng nhân dân; đặc biệt là phản ánh được ý kiến, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp, đảm bảo tính thực thi, tạo ra những đột phá về chính sách và hành lang pháp lý cho hoạt động của doanh nghiệp.” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh. Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá cao Bộ TN&MT đã có nhiều hoạt động cải cách hành chính hỗ trợ doanh nghiệp. Từ những hoạt động thực tiễn kinh doanh có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, ông Phòng đề nghị các hiệp hội doanh nghiệp đưa ra những ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Đây vừa là hoạt động tham gia vào công tác làm chính sách của Nhà nước vừa là một cách để cách các doanh nghiệp, hiệp hội đưa ra các ý kiến của mình trong vấn đề bảo vệ môi trường. Nhiều đóng góp tâm huyết Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận về các nội dung như thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào 1 giấy phép môi trường; đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án. Lần đầu tiên chế định cụ thể về kiểm toán môi trường nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý môi trường của doanh nghiệp… Đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam, ông Lê Hoàng Khánh Nhật cho rằng, dự thảo Nghị định nhiều nội dung, cần thêm thông tư hướng dẫn. Ngoài ra, góp ý về khoảng cách đến khu dân cư, ông Nhật cho rằng, một số khu công nghiệp khi hoạt động chưa có dân cư nhưng sau đó, dân cư di chuyển đến, cần lưu ý vấn đề này; vấn đề thu hồi xử lý sản phẩm cần có trách nhiệm của người tiêu dùng để nâng cao hiệu quả. Đại diện Công ty Lọc hóa dầu Mekong, bà Trần Ngọc Diễm Trang đề nghị trong vấn tái chế chất thải cần phải quy định rõ hơn để đảm bảo những sản phẩm hỏng và đã qua sử dụng cần phải có những ràng buộc pháp lý cụ thể đối với những cơ sở phát thải và những đơn vị xử lý phải có đầy đủ năng lực… Còn đại diện Công ty Samsung Việt Nam đề nghị cần thêm thời gian cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan Nhà nước trong quá trình triển khai thu hồi, tái chế chất thải điện, điện tử… Đại diện EuroCham kiến nghị, theo Công văn số 6872/BTNMT-TCMT của Bộ TN&MT về việc hướng dẫn thủ tục về đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với ngành nghề sản xuất điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp áp mái thì các dự án này là đầu tư mở rộng và phải thực hiện ĐTM theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP. Như vậy việc đầu tư điện áp mái mà phải có ĐTM thì không hợp lý vì dẫn đến chậm thực hiện. Điện áp mái không chiếm dụng đất nên yêu cầu lập ĐTM là không phù hợp. .. Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu, hiệp hội doanh nghiệp, các nội dung đóng góp sẽ được Bộ chỉ đạo các đơn vị tiếp thu ý kiến và giải đáp cụ thể, những vấn đề còn thiếu, chưa phù hợp sẽ bổ sung sửa đổi.. Bên cạnh những ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị các đại biểu tiếp tục gửi ý kiến bằng văn bản tới Ban soạn thảo, Tổ biên tập. Bộ TN&MT cam kết sẽ lắng nghe nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý trong quá trình hoàn thiện, trình ban hành dự thảo Nghị định này.