Chưa hiệu quả vì đâu?
Hệ thống chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn liên tục được điều chỉnh để phù hợp tình hình mới, tuy vậy, thực tế, do ngành công nghiệp tái chế chất thải còn lạc hậu, manh mún nên phần lớn chất thải vẫn được xử lý bằng biện pháp chôn lấp.
Tại hội thảo mới đây về phát triển kinh tế chất thải ở Việt Nam, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức thẳng nhắn nhìn nhận: “Thủ tướng Chính phủ và Bộ TN&MT đã định hướng một số giải pháp để kích thích hoạt động tái chế chất thải để trở thành một ngành kinh tế đạt hiệu quả cao, song đến nay, vẫn chưa được như mong muốn”.
Ông Thức phân tích tiềm năng lớn cho hoạt động này xuất phát từ chính lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn. Thống kê mới nhất của Tổng cục Môi trường cho thấy, lượng chất thải rắn phát sinh hàng năm khoảng 60 - 70 triệu tấn, đó là mới tính đến rác thải sinh hoạt và công nghiệp. Trong đó, lượng chất thải rắn sinh hoạt khoảng 23 triệu tấn/năm, chất thải rắn công nghiệp như tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất trên dưới 20 triệu tấn, phụ phẩm nông nghiệp sau mỗi mùa vụ thải bỏ ra từ 60 - 80 triệu tấn, đó là chưa kể chất thải phát sinh từ hoạt động xây dựng lên đến mấy chục triệu tấn/năm.
“Lượng chất thải phát sinh lớn nhưng hoạt động tái chế còn nhỏ lẻ, công nghệ xử lý tái chế còn lạc hậu, nhiều nhà đầu tư chưa mặn mà với ngành công nghiệp này do thiếu cơ chế chính sách”, ông Thức cho biết.
Chỉ rõ những “khoảng trống” trong cơ chế chính sách này, đại diện Viện Khoa học Môi trường cho rằng, hiện, vẫn thiếu cơ chế, chính sách liên kết giữa các chủ thể, doanh nghiệp, nhà sản xuất tham gia vận hành thị trường này. Việc liên kết thông tin giữa các cơ sở sản xuất về chất thải, về nhu cầu sử dụng chất thải để làm nguyên liệu sản xuất hay các thông tin về các sản phẩm tái chế từ chất thải trên thị trường còn thiếu. Chính điều này dẫn đến người tiêu dùng còn chưa yên tâm về sản phẩm tái chế. “Cơ quan quản lý vẫn chưa thực hiện quản lý và điều phối được loại thị trường này, khiến thị trường trở nên không hoàn hảo, thiếu thông tin cần thiết về cả người mua và người bán” - Thạc sĩ Hàn Trần Việt, Viện Khoa học Môi trường nói.
Cũng theo chuyên gia của Viện, hạn chế lớn nhất là nước ta không có ngành công nghiệp hỗ trợ cho hoạt động tái chế. “Chúng ta thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lực phục vụ tái chế như: vốn, nhân lực trình độ cao, trang thiết bị chuyên môn và khả năng làm chủ công nghệ mới. Đa số các máy móc, thiết bị và hóa chất đều là tự chế hoặc nhập khẩu từ nước ngoài với chất lượng thấp, khó kiểm soát”, đại diện Viện Khoa học Môi trường nhấn mạnh.
“Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường được Chính phủ ban hành ngày 13/5/2019 có yêu cầu chất thải sẽ được phân loại, phân tách để sử dụng hay thu hồi xử lý. Đây là định hướng về mặt pháp luật để tạo khung cho phát triển kinh tế chất thải ở Việt Nam”. Ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường |
Vì những hạn chế nêu trên mà bức tranh ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam còn nhiều mảng xám. Dù thị trường tái chế khu vực phi chính thức đã hình thành mấy chục năm qua mà đơn vị tái chế điển hình là các làng nghề, song sự chuyển biến của thị trường này không mấy lạc quan. Tại Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nội… tập trung nhiều làng nghề tái chế chất thải như tái chế giấy, tái chế nhựa, kim loại, ắc quy… gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Các sản phẩm từ các làng nghề này vẫn đưa ra tiêu thụ trong thị trường mà thiếu sự kiểm soát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng.
BBT (Nguồn: Báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn