Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Đây là cơ sở pháp lý để NHNN ban hành thông tư hướng dẫn các TCTD quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Thông tư của NHNN dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022, cùng với thời điểm hiệu lực của Luật Bảo vệ môi trường và có tính bắt buộc thực hiện đối với tất cả các TCTD.
Phó Thống đốc khẳng định, việc ban hành thông tư của NHNN và triển khai của các TCTD tiếp tục thể hiện thông điệp mạnh mẽ về trách nhiệm của ngành Ngân hàng đối với công tác bảo vệ môi trường, đồng thời sẽ giúp các TCTD nâng cao chất lượng tín dụng và khả năng chống chịu rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng.
Giai đoạn 2014 - 2020, đa số các TCTD đã nhận thức được nguy cơ rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động ngân hàng. Nhiều TCTD đã chủ động hợp tác, tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế, trong đó có tổ chức IFC, để xây dựng quy chế nội bộ thực hiện quản lý rủi ro môi trường cho một số hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng, ban hành các chính sách về môi trường, về cấp tín dụng xanh của TCTD. Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường của hệ thống TCTD tăng trưởng đều qua các năm, đến nay đã chiếm hơn 17% trên tổng dư nợ của nền kinh tế.
Chia sẻ tại tọa đàm, đại diện IFC cho rằng, Việt Nam nên xem xét xây dựng các tiêu chuẩn về hoạt động để quản lý bền vững về môi trường và xã hội trong các khoản đầu tư. Bởi những tiêu chuẩn này là một khuôn khổ quản lý rủi ro mạnh mẽ và được áp dụng rộng rãi và cũng thay đổi cách thức nhìn nhận của ngành Ngân hàng đối với rủi ro phi tài chính và phân bổ tài chính trên các thị trường mới nổi. Như vậy sẽ giúp các ngân hàng quản lý sớm các rủi ro về môi trường - xã hội tiềm ẩn, ra quyết định chiến lược nhằm cải thiện được tính bền vững của các dự án được tài trợ trong nước và quốc tế.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)