Trong thời gian qua, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán về hoạt động quản lý và xử lý nước thải, chất thải các khu công nghiệp (KCN) như tại KCN Khai Quang, tỉnh Vĩnh Phúc; KCN Khánh Phú, tỉnh Ninh Bình; kiểm toán hoạt động quản lý môi trường tại các KCN tỉnh Bắc Ninh; công tác quản lý môi trường các KCN tỉnh Hậu Giang... Các cuộc kiểm toán đã chỉ ra hàng loạt những bất cập, yếu kém trong hoạt động quản lý và xử lý nước thải, gây tác động xấu đến môi trường.
Kẽ hở về pháp lý
Theo ông Lê Doãn Hoài, Trưởng phòng Kiểm toán môi trường, KTNN chuyên ngành III, một trong những kẽ hở hiện nay là hệ thống văn bản pháp lý chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường về quy định liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường khi cấp giấy phép đầu tư. Cụ thể, trong khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 quy định báo cáo đánh giá tác động môi trường là một trong những căn cứ để cấp giấy chứng nhận đầu tư, thì Luật Đầu tư lại không quy định nội dung này. Điều này đã tạo nên sự lỏng lẻo về bảo vệ môi trường, không đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường và tinh thần “Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế” mà Chính phủ đã đề ra sau các sự cố môi trường nghiêm trọng xảy ra trong thời gian vừa qua.
Một điểm khác là hiện nay chưa có quy định quản lý và hướng dẫn thống nhất về vị trí xây dựng hồ điều hòa tại các dự án xử lý nước thải công nghiệp tập trung. Do đó, việc triển khai xây dựng hồ điều hòa và lắp đặt trạm quan trắc tự động chưa thống nhất giữa các KCN. Việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động sau hồ điều hòa có dung tích lớn có thể dẫn đến việc nước thải sau khi xử lý có thể được pha loãng, đặc biệt là khi trời mưa to trong thời gian dài, khi đó kết quả quan trắc nước thải có thể không phản ánh chính xác kết quả chất lượng nước thải sau khi xử lý của hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Đối với công tác đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, KTNN cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN hiện còn khó tiếp cận các nguồn vốn thích hợp để đầu tư xây mới và mở rộng các khu xử lý nước thải tập trung. Trên thực tế, nếu chỉ trông chờ vào nguồn thu phí thu gom, xử lý nước thải từ các nhà đầu tư, thì chủ đầu tư hạ tầng các KCN khó có thể bù đắp được các chi phí cho việc xây dựng và vận hành hệ thống cống thu gom, trạm bơm, trạm xử lý nước thải của KCN. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN gặp rủi ro càng cao khi trạm xử lý nước thải phải được xây dựng và hoàn thành trước thời điểm kêu gọi các nhà đầu tư xem xét đầu tư vào KCN.
Mặt khác, nhận thức của cán bộ lãnh đạo, chính quyền các cấp và cộng đồng người dân chưa cao, chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức, dẫn đến buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát và cưỡng chế thực thi pháp luật. Công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường trong xã hội còn hạn chế, chưa phát huy được ý thức tự giác, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong việc tham gia, hỗ trợ hệ thống quản lý nhà nước giám sát thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường.
Quản lý lỏng lẻo, sai phạm tràn lan
KTNN cũng xác định, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý môi trường tại các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương còn quá mỏng và năng lực còn han chế. Cụ thể, tại các Ban quản lý các KCN, phòng quản lý môi trường thường chỉ có 3-5 cán bộ, trong đó chỉ có 1-2 cán bộ có chuyên môn đào tạo về môi trường, trong khi phải quản lý một số lượng lớn các KCN, doanh nghiệp đóng trong các KCN; dẫn đến không thể kiểm tra, giám sát một cách thường xuyên đối với công tác bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, vai trò và trách nhiệm của Ban quản lý KCN trong việc quản lý môi trường còn hạn chế. Ông Lê Doãn Hoài cho biết, theo Thông tư 0611 và Thông tư 2712, Ban quản lý KCN có chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với KCN về nhiều lĩnh vực, trong đó có vấn đề môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế, tại hầu hết các địa phương, UBND chưa uỷ quyền cho Ban quản lý KCN thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường do đó chưa gắn kết được trách nhiệm và quyền hạn của Ban quản lý KCN về bảo vệ môi trường KCN; dẫn đến Ban quản lý KCN chưa sâu sát trong công tác bảo vệ môi trường KCN, trong khi Ban quản lý KCN là cơ quan quản lý trực tiếp, nắm rõ thông tin của từng doanh nghiệp, dự án trong KCN từ khi cấp giấy phép chứng nhận đăng ký đầu tư; điều này có thể làm giảm hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Cũng theo ông Lê Doãn Hoài, kết quả kiểm toán còn cho thấy công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chưa phát huy tính hiệu quả và hiệu lực trong việc ngăn ngừa các vi phạm về bảo vệ môi trường. Theo đó, đối với công tác quản lý nước thải tại các KCN ở các địa phương hiện nay chủ yếu do Sở TN&MT và Ban quản lý các KCN quản lý đảm nhận. Thực tế cho thấy công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát của Sở TN&MT, Ban quản lý KCN chưa đảm bảo hiệu lực, hiệu quả do chưa có biện pháp xử lý nghiêm khắc, triệt để đối với những trường hợp vi phạm quy định bảo vệ môi trường. Công tác đôn đốc, giám sát các doanh nghiệp trong KCN đối với việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra chưa đầy đủ và kịp thời, dẫn đến tỷ lệ các trường hợp vi phạm phát hiện thông qua công tác thanh tra, kiểm tra ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm qua các năm, do đó chưa tạo được tính răn đe đủ mạnh để hạn chế các vi phạm về bảo vệ môi trường.
Chưa có sự chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường đối với các KCN trên địa bàn dẫn đến thiếu thông tin để quản lý, xử lý các sai phạm về môi trường. Cụ thể, Ban quản lý các KCN có chức năng kiểm tra, giám sát môi trường đối với các doanh nghiệp trong các KCN, tuy nhiên các phát hiện trong quá trình kiểm tra không được chia sẻ cho Sở TN&MT để xử phạt nghiêm theo quy định, làm giảm tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường.
Hoạt động của các hệ thống quan trắc tự động đã lắp đặt tại các KCN không hiệu lực, chưa phục vụ cho công tác giám sát môi trường KCN do việc đầu tư, vận hành không đồng bộ giữa Sở TN&MT với các KCN, dẫn đến Sở TN&MT chưa tiếp nhận, phân tích và sử dụng dữ liệu quan trắc để phục vụ công tác giám sát môi trường KCN thường xuyên liên tục. Việc lưu giữ dữ liệu quan trắc tại KCN không thống nhất do chưa có quy định rõ ràng, do đó có khó khăn trong việc trích xuất dữ liệu để đánh giá hiệu quả xử lý nước thải khi các dữ liệu quan trắc tự động hầu hết chỉ được lưu trữ tại các KCN.
Kết quả kiểm toán chỉ rõ, một số doanh nghiệp trong KCN chưa nghiêm túc trong việc xây dựng các công trình bảo vệ môi trường theo hồ sơ môi trường được phê duyệt một cách đầy đủ và đảm bảo điều kiện được cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; chưa thực hiện đúng các quy định về việc thông báo kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình bảo vệ môi trường và lập hồ sơ đề nghị xác nhận hoàn thành đối với các công trình bảo vệ môi trường đã đi vào hoạt động; Sở TN&MT chưa thực hiện đầy đủ quy định về cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường đối với các dự án có nhiều phân kỳ đầu tư; trong quá trình thẩm định hồ sơ chưa chú trọng tới chất lượng và tính pháp lý của các kết quả quan trắc.
Việc thực hiện các báo cáo quan trắc định kỳ theo kế hoạch của các doanh nghiệp cũng như của chủ đầu tư KCN còn nặng về tính hình thức, không có ý nghĩa nhiều trong quá trình quản lý. Thực tế cho thấy, hầu hết các chỉ số phân tích được phản ảnh trong các báo cáo quan trắc định kỳ đều nằm trong giới hạn cho phép, tuy nhiên tại các báo cáo quan trắc đột suất thì phát hiện có nhiều chỉ số vượt ngưỡng cho phép theo quy định.
BBT (Nguồn: Báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn