Theo chương trình công tác, năm 2018, Tổng cục Môi trường hướng trọng tâm vào 4 nội dung: xây dựng văn bản pháp luật; thanh kiểm tra, rà soát các dự án có nguồn thải lớn và quan trắc môi trường.
Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá về môi trường
Tổng cục Môi trường tập trung xây dựng và trình ban hành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật về môi trường gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BVMT và các luật có liên quan; Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định, quy định chi tiết thi hành Luật BVMT; Đề án kiểm soát đặc biệt các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, danh mục các ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao không khuyến khích đầu tư… Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai việc rà soát, đề xuất, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về BVMT bảo đảm thống nhất, đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ BVMT và hội nhập quốc tế; nghiên cứu, xây dựng cơ chế đột phá trong huy động nguồn lực đầu tư cho BVMT, đặc biệt là cơ chế huy động nguồn lực trên nguyên tắc "Người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “Người hưởng lợi từ môi trường phải trả chi phí” để tập trung đầu tư trở lại cho BVMT.
Triển khai công tác thanh tra, kiểm tra năm 2018; vận hành đường dây nóng về môi trường
Thanh tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp và kiểm tra tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg trên địa bàn trên địa bàn một số tỉnh/TP; Thanh tra đột xuất và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó, vận hành Đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường của Trung ương và địa phương nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc gây ô nhiễm môi trường, ngăn chặn đến mức thấp nhất các sự cố môi trường có thể xảy ra.
Rà soát kiểm soát các dự án, nguồn thải lớn có nguy cơ gây sự cố môi trường, gây ô nhiễm môi trường
Nâng cao chất lượng công tác thẩm định, đánh giá tác động môi trường, kiên quyết loại trừ quan điểm sản xuất trước, làm sạch sau trong quá trình thu hút triển khai dự án đầu tư; Tổ chức triển khai thực hiện Đề án kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây sự cố, ô nhiễm môi trường cao ngay sau khi được ban hành; Triển khai hệ thống tiêu chuẩn về môi trường nhằm lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ sản xuất trong thu hút đầu tư, không cấp phép cho các dự án không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường; Xây dựng và hoàn thành phương án triển khai công tác điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải…
Thực hiện các chương trình quan trắc, lập các báo cáo về môi trường
Tập trung thực hiện tốt chương trình quan trắc định kỳ, xây dựng báo cáo môi trường quốc gia năm 2018; thực hiện đánh giá, xếp hạng kết quả BVMT của các địa phương thông qua Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng kết quả BVMT của các địa phương. Cùng với đó, Tổng cục Môi trường sẽ tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, các sự kiện, hội nghị, hội thảo về BVMT; triển khai đúng tiến độ, đảm bảo nội dung, chất lượng sản phẩm của các nhiệm vụ, dự án, đề tài trong kế hoạch năm 2018.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn