Lấy ý kiến góp ý quy định chi tiết một số nội dung của Luật Bảo vệ môi trường 2020
(TN&MT) - Để Luật BVMT 2020 được triển khai kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả ngay khi Luật có hiệu lực thi hành, Bộ TNMT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, chuyên gia có liên quan xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Hiện Dự thảo đang được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ để lấy ý kiến góp ý.
Dự thảo Nghị định gồm có 13 chương 197 điều Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 2197/QĐ-TTg, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Dự thảo Nghị định). Sau khi, Bộ Tư pháp có ý kiến thẩm định hồ sơ Dự thảo Nghị định theo quy định của pháp luật, Bộ TN&MT đã rà soát, chỉnh sửa và hoàn thiện Dự thảo Nghị định. Dự thảo gồm có 13 chương 197 điều. Trong đó, ngoài các quy định về đối tượng điều chỉnh, phạm vi áp dụng còn có các quy định về bảo vệ môi trường nước, không khí đất, di sản thiên nhiên; Phân vùng môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; Giấy phép môi trường, đăng ký môi trường; Bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,đô thị, nông thôn và một số lĩnh vực; Quản lý chất thải; Trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì thải bỏ của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu; Quan trắc môi trường; Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường; Phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; bồi thường thiệt hại về môi trường; Công cụ kinh tế và nguồn lực bảo vệ môi trường; Quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra và dịch vụ công trực tuyến về bảo vệ môi trường; và Điều khoản thi hành. Trong quá trình xây dựng dự thảo, Bộ TNMT đã tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất giữa các quy phạm. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế đối với các quy định mới nhằm đưa ra các đề xuất phù hợp. Đồng thời, tham vấn ý kiến của các nhóm đối tượng chịu sự tác động của Dự thảo Nghị định.Tiến hành đánh giá tác động thủ tục hành chính của Dự thảo Nghị định… có các văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Công thương tham gia soạn thảo và đề xuất các nội dung. Bên cạnh đó, Bộ TNMT đã có các văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Công thương tham gia soạn thảo và đề xuất các nội dung. Gửi văn bản lấy ý kiến chính thức của các Bộ ngành, 63 địa phương, một số doanh nghiệp, tổ chức, hội nghề nghiệp; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam…
Công khai thông tin môi trường Đối với Dự thảo Nghị định này, một trong những điều người dân quan tâm là việc công khai, minh bạch các thông tin về môi trường. Bởi đây là một trong những điểm mới trong Luật BVMT 2020. Về vấn đề này, Dự thảo Nghị định quy định, các chủ dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có trách nhiệm công khai kết quả quan trắc chất thải; báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định, giấy phép môi trường (trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật). Chủ cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại có trách nhiệm công khai thông tin về loại, số lượng chất thải nguy hại thu gom, xử lý, phương pháp xử lý; thông tin về tên, địa chỉ chủ nguồn thải chất thải nguy hại được thu gom, xử lý và các thông tin về môi trường khác. Những thông tin này phải được đăng trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, hoặc công khai tại trụ sở UBND nơi dự án hoặc cơ sở triển khai, hoạt động. Thông tin phải được công khai chậm nhất không quá 05 ngày sau khi có kết quả quan trắc, quyết định phê duyệt của cơ quan chức năng... Đồng thời, cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường cũng phải công khai quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường, giấy phép môi trường, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Thông tin được công khai trên trang thông tin điện tử cơ quan chuyên môn về môi trường các cấp. Thông tin phải được công khai chậm nhất không quá 05 ngày sau khi các văn bản được ban hành hoặc sau khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp phép hợp lệ đối với trường hợp công khai báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường, cho đến khi quyết định hoặc giấy phép hết hiệu lực, hoặc đến khi dự án, cơ sở chấm dứt hoạt động theo quy định, hoặc đến khi dự án, cơ sở được cấp phép đối với trường hợp công khai báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm công khai kết quả quan trắc, chất lượng môi trường đất, không khí, nước mặt, trầm tích, môi trường thuỷ sinh của nguồn nước mặt. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm công khai thông tin về các nguồn thải vào môi trường nước mặt và các nguồn có nguy cơ gây ra sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh, thành. Cơ quan quản lý môi trường các cấp có trách nhiệm công khai kế hoạch ứng phó sự cố môi trường; thông tin về sự cố môi trường (thời điểm bắt đầu và kết thúc giai đoạn tổ chức ứng phó sự cố môi trường và giai đoạn phục hồi môi trường; thông tin cập nhật về sự cố môi trường)... Luật BVMT 2020 được thông qua với 16 chương, 171 điều (giảm 04 chương và tăng 01 điều so với Luật BVMT năm 2014). Để sớm đưa các quy định của Luật BVMT2020 đi vào cuộc sống, đồng thời bảo đảm các điềukiện cho việc tổ chức thi hành Luật một cách hiệu quả,việc ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT 2020 là cần thiết.