Hội nhập quốc tế nói chung và về môi trường đã diễn ra từ khi bắt đầu thời kỳ đổi mới. Trải qua thời gian, nhận thức về hội nhập quốc tế của mọi người dân Việt Nam dần chuyển biến từ chưa biết đến bắt đầu được nghe đến nhiều hơn thông qua các phương tiện truyền thông, đặc biệt trong thời gian gần đây. Cũng như vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hiệu quả và sự thành công của hội nhập quốc tế về môi trường phụ thuộc rất lớn vào nhận thức và ý thức của mọi đối tượng xã hội bao gồm các cơ quan quản lý ở các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và các doanh nghiệp tư nhân và các cộng đồng người dân. Nhận thức và ý thức của các đối tượng nêu trên về hội nhập quốc tế lĩnh vực môi trường đóng vai trò quyết định về hiệu quả và kết quả thực thi các nghĩa vụ và cam kết quốc tế liên quan đến môi trường.
Hiện nay, hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường vẫn đang được thực hiện dưới nhiều hình thức bởi nhiều cơ quan tổ chức liên quan. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, việc thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về các cam kết và nghĩa vụ quốc tế về môi trường là rất cần thiết và quan trọng không chỉ đối với cơ quan quản lý mà cả đối tượng phải tuân thủ và chịu ảnh hưởng là doanh nghiệp và các cộng đồng người dân.
Qua khảo sát cho thấy thực tế nhận thức về hội nhập quốc tế về môi trường hiện vẫn còn là vấn đề mơ hồ ngay cả với các cơ quan quản lý ở các cấp. Mặc dù được nghe và nhắc đến nhiều qua các phương tiện truyền thông nhưng thực sự hiểu rõ bản chất, nội hàm và đặc biệt là những lợi ích và rủi ro tạo ra từ quá trình hội nhập quốc tế thì chỉ có một tỷ lệ nhỏ cán bộ tham gia trực tiếp vào các hoạt động hội nhập; tình trạng tương tự về nhận thức cũng đang diễn ra đối với doanh nghiệp và các cộng đồng người dân. Với thực tế như trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả và kết quả của quá trình hội nhập quốc tế về môi trường, cụ thể như: (i) các chính sách, quy định pháp luật được xây dựng nhằm nội luật hóa các nghĩa vụ chưa mang tính hội nhập, đôi khi chưa chú ý hoặc bỏ qua các nghĩa vụ cần phải được nội luật hóa trong quá trình rà soát và xây dựng, hoặc có thể mức độ nội luật hóa chưa tương thích với nghĩa vụ,... (ii) doanh nghiệp và cộng đồng dân cư thiếu thông tin và sự hiểu biết cần thiết về các nội dung của hội nhập, các nghĩa vụ cần tuân thủ và đặc biệt là những tác động và ảnh hưởng từ việc hội nhập quốc tế.
Xuất phát từ nhận thức và ý thức chưa cao về hội nhập quốc tế lĩnh vực môi trường, đồng thời với việc chưa có một cơ chế phối hợp và hợp tác giữa các bên, do vậy thời gian vừa qua, hiệu quả và kết quả hội nhập quốc tế còn bị hạn chế do thiếu sự tham gia một cách tích cực và tự nguyện của khối doanh nghiệp tư nhân và cộng đồng người dân. Thực tế đã chứng minh rằng, hiệu quả thực thi các chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường và các hoạt động bảo vệ môi trường, đảm bảo thực thi nghiêm túc và hiệu quả các nghĩa vụ quốc tế phụ thuộc rất nhiều vào sự tham gia đóng góp và phát huy được vai trò trách nhiệm của từng doanh nghiệp và người dân.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn