Xu thế và đặc điểm chính của hội nhập quốc tế nói chung và về môi trường nói riêng giai đoạn hiện nay và thời gian tới đây được phân tích, đánh giá và nhận định như sau:
Thứ nhất, phạm vi, quy mô và mức độ ngày càng lớn, nghĩa vụ và mức độ ràng buộc về pháp lý ngày càng tăng. Đây xu thế và đặc điểm được đánh giá là phổ biến gần đây và sẽ tiếp tục trong tương lai. Đối với các khuôn khổ quốc tế mà Việt Nam đã tham gia là thành viên chính thức, các nghĩa vụ mới tiếp tục được bổ sung hoặc cam kết sâu hơn tiếp tục được đề xuất đưa ra đối với những nghĩa vụ đã có trong thời gian qua, dưới các hình thức các quyết định, nghị quyết về sửa đổi bổ sung tại các cuộc họp, hội nghị về công ước thường niên. Các điều khoản về sửa đổi, bổ sung theo hướng mức độ cam kết sâu rộng hơn, ràng buộc pháp lý cao hơn diễn ra ở hầu hết các công ước quốc tế, tập trung nhiều ở lĩnh vực hóa chất, chất thải, bảo tồn đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu.
Thứ hai, đa dạng, phong phú về nội dung và lĩnh vực, tiếp tục hình thành nhiều khuôn khổ hoặc “sân chơi” quốc tế với nhiều “luật chơi” mới ở nhiều quy mô về địa lý, từ vùng, khu vực và toàn cầu. Trong phạm vi hội nhập quốc tế về môi trường, ngày càng có nhiều khuôn khổ mới thuộc các lĩnh vực liên quan tiếp tục được hình thành với các quy tắc, phương thức và nghĩa vụ mới nhằm đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi thực tế nhằm xử lý các thách thức về môi trường ở phạm vi toàn cầu và quốc gia. Ví dụ: Hiện nay, Việt Nam đang tham gia quá trình đàm phán tại Hội nghị liên chính phủ trong khuôn khổ Công ước của Liên hợp quốc nhằm xây dựng văn kiện pháp lý quốc tế về bảo tồn và sử dụng đa dạng sinh học biển tại các vùng biển quốc tế (BBNJ); Hình thành khuôn khổ mới (Hiệp ước toàn cầu) về thiên nhiên và con người (Deal on Nature and People); Đề xuất một hiệp định ràng buộc về chống ô nhiễm chất thải nhựa đại dương,…
Thứ ba, yêu cầu và đòi hỏi về trách nhiệm tăng khi tham gia, kèm theo sự đầu tư và đóng góp tài chính tăng. Đây vừa là xu thế và vừa là xu hướng đối với mỗi quốc gia thành viên khi tham gia vào các khuôn khổ quốc tế. Việc tham gia các khuôn khổ quốc tế đối với mỗi quốc gia từ trước đến nay là mang tính chất tự nguyện, các quốc gia sẽ tự nguyện tham gia khi nhận thấy việc tham gia mang lại lợi ích cụ thể hoặc đảm bảo về lợi ích và quyền lợi của mình. Khi tham gia, mỗi quốc gia thành viên sẽ chấp nhận tuân thủ các nghĩa vụ và trách nhiệm là một quốc gia thành viên thuộc khuôn khổ đó. Tùy thuộc vào mỗi khuôn khổ, trách nhiệm và nghĩa vụ, bao gồm cả nghĩa vụ đóng góp về tài chính sẽ khác nhau và các nghĩa vụ và trách nhiệm này sẽ ngày một tăng lên tùy theo tính chất, mức độ hội nhập và điều kiện phát triển (kinh tế) của từng quốc gia. Đối với Việt Nam, yêu cầu và đề nghị tăng thêm về trách nhiệm và đóng góp tài chính đã phát sinh trong thời gian vừa qua, đặc biệt là sau khi Việt Nam được công nhận là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp.
Thứ tư, có mối liên hệ ngày càng nhiều đến kinh tế, có ảnh hưởng và đóng góp nhiều trong quá trình phát triển kinh tế. Là một trong ba trụ cột phát triển, cùng với kinh tế và xã hội thì trong tiến trình hội nhập quốc tế, hội nhập quốc tế về môi trường cũng có nhiều mối liên hệ với phát triển kinh tế. Các quốc gia trong đó có Việt Nam đặt hội nhập quốc tế về kinh tế là trọng tâm của hội nhập quốc tế, vì vậy, trong nhiều khuôn khổ quốc tế về môi trường, mục tiêu của hội nhập nhằm hướng tới hỗ trợ và thúc đẩy cho quá trình phát triển kinh tế, ví dụ như: thúc đẩy quá trình sản xuất hàng hóa, mở rộng thị trường và thị phần quốc tế thông qua việc xây dựng và hài hòa hóa các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường, hoặc thời gian gần đây là việc tham gia, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTAs) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, trong đó có cả việc cam kết thực thi những nghĩa vụ liên quan đến môi trường bên cạnh những cam kết nghĩa vụ truyền thống về thương mại bao gồm hàng hóa và dịch vụ.
Thứ năm, cơ chế đánh giá, giám sát việc thực thi các nghĩa vụ đã cam kết trong quá trình hội nhập ngày càng chặt chẽ kèm theo chế tài xử lý khi không tuân thủ và thực thi nghĩa vụ đã cam kết. Đây là cơ chế ngày càng được áp dụng phổ biến hơn trong hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập quốc tế về môi trường nói riêng. Trong nhiều khuôn khổ quốc tế, cơ chế đánh giá và giám sát việc thực thi các nghĩa vụ do các quốc gia tham gia cam kết được thiết lập ngay từ đầu, các cơ chế này được thiết kế ngày càng chặt chẽ buộc các quốc gia thành viên một khi đã tham gia thì buộc phải tuân thủ nghiêm túc “luật chơi” thông qua việc giám sát và đánh giá định kỳ của một nhóm hoặc ủy ban do khuôn khổ quốc tế đó lập ra. Việc tuân thủ nghiêm túc và thực thi hiệu quả các nghĩa vụ còn được tăng cường thông qua việc áp dụng chế tài đối với một số khuôn khổ, đặc biệt gần đây là việc áp dụng chế tài trong các FTAs nếu một quốc gia bị đánh giá vi phạm các nghĩa vụ đã cam kết, bao gồm cả các nghĩa vụ về môi trường.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn