Nhu cầu tất yếu
“Năng lượng xanh cho phát triển kinh tế bền vững” là chủ đề phiên thảo luận song song trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế 2018 do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với tổ chức với USAID, Konrad, các Đại sứ quán Nhật Bản và Úc tại Việt Nam. Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn, nằm trong chuỗi sự kiện “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 2”.
Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, việc nghiên cứu và sử dụng các nguồn năng lượng xanh thay thế, có khả năng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời, sinh học… là nhu cầu tất yếu của Việt Nam.
Ngoài ra, việc phát triển năng lượng xanh ngày nay đang là xu thế mới, làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu ngành năng lượng. Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang xây dựng các chính sách phát triển năng lượng xanh hướng tới việc phát triển “nền kinh tế cacbon thấp”, bền vững và thân thiện với môi trường.
Cần giải pháp cụ thể
Tham dự và phát biểu tham luận, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã phân tích và thảo luận về bức tranh phát triển năng lượng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay; tìm các giải pháp cho Việt Nam trong tình hình xu thế cán cân năng lượng nghiêng dần sang nhập khẩu ngày càng tăng.
Cho rằng than đá đang tạo ra hiệu ứng nhà kính và là nguồn năng lượng “bẩn”, ông John Kerry - Cựu ngoại trưởng Mỹ lấy ví dụ về việc Hà Nội từng có hơn 190 ngày chất lượng không khí dưới chuẩn, thậm chí có đến 23.000 người mắc bệnh hô hấp, ung thư…
Trước thực tế biến đổi khí hậu, theo ông John Kerry giải pháp sử dụng năng lượng thông minh là quyết định phù hợp đắn cho tương lai. “Việt Nam có thể tiết kiệm hàng chục tỉ USD. Việt Nam đang có vị trí thuận lợi để phát triển năng lượng sạch hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới và cần có những giải pháp cụ thể đẩy nhanh việc phát triển năng lượng tái tạo, ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt”, ông John Kerry nói.
Về giải pháp cụ thể, theo ông John Kerry, Việt Nam cần đầu tư sử dụng điện từ năng lượng mặt trời, điện gió, khí đốt, nhiệt điện và có những chính sách cởi mở, tạo ra lộ trình năng lượng mặt trời trong cách tiếp cận tổng thể; các giải pháp cụ thể, huy động cơ chế đầu tư, tài chính, những phương án thông minh để phát triển năng lượng tái tạo.
… và bước tiến dài
Cùng chung quan điểm, các chuyên gia đều nhận định, Việt Nam có rất nhiều cơ hội nhờ có đường bờ biển dài, khí hậu nhiệt đới gió mùa, có cường độ bức xạ cao nhất là khu vực duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và nam Bộ. Có nhiều cánh đồng gió tốc độ lớn tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu. Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng đã đặt mục tiêu sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo đến năm 2020 là 5%, năm 2050 là 11%.
Theo dự báo, tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo tại Việt Nam ngày càng tăng lên. Cụ thể, đến năm 2020, năng lượng điện Mặt Trời sẽ tăng lên khoảng 800 MW, đến năm 2030, tỷ lệ điện gió tăng 6.000 MW, điện Mặt Trời là 12.000 MW và điện sinh khối 2.000 MW. Tuy nhiên, để có thể biến tiềm năng năng lượng tái tạo thành năng lượng thương mại là cả một bước dài.
Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ Việt Nam đang xây dựng thêm nhiều nhà máy điện than, nhưng với tư duy cởi mở, Việt Nam có thể điều chỉnh cần thiết với xu thế phát triển công nghệ tái tạo, năng lượng tái tạo để cùng quốc tế bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu vì Việt Nam vốn là nước nhạy cảm với biến đổi khí hậu và đang rất quan tâm đến vấn đề này.
K.Linh
Nguồn tin: BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn