Năm 2018, nhiệm vụ sửa đổi Luật BVMT nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ TN&MT. Theo đó, lãnh đạo Tổng cục và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục cũng đặt trọng tâm thực hiện nhiệm vụ.
Tại cuộc họp nhằm rà soát, sửa đổi một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và các Luật có liên quan đến bảo vệ môi trường tổ chức tại Tổng cục Môi trường vào sáng ngày 27/3, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế Dương Thanh An cho biết, Luật BVMT (sửa đổi) có sự thay đổi so với các lần xây dựng Luật BVMT trước kia về 3 điểm, gồm: cơ cấu thực hiện, nguồn lực và yêu cầu nhiệm vụ.
Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) cũng như qua đúc kết kinh nghiệm việc xây dựng văn bản trong thời gian qua, cho thấy cần thiết chia thành 02 phần, gồm: (1) Nhận diện vấn đề, định hướng sửa đổi, căn cứ đưa ra định hướng sửa đổi; (2) Xây dựng các điều, khoản cụ thể.
Các vấn đề về quy định bất cập của Luật Bảo vệ môi trường và các Luật có liên quan đến bảo vệ môi trường phải được nhận diện, từ đó căn cứ theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước, theo kinh nghiệm chung của thế giới, các luận cứ khoa học, thực tiễn,... đề xuất nội dung, định hướng sửa đổi.
Các vấn đề nhận diện có thể chia thành ba (03) nhóm: Nhóm 1 (ưu tiên) gồm các nội dung đưa vào Luật sửa đổi; Nhóm 2 gồm nội dung đưa vào Nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi; Nhóm 3 gồm nội dung đưa vào các Thông tư.
Việc xây dựng các điều, khoản cụ thể của Luật sửa đổi một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và các Luật có liên quan đến bảo vệ môi trường dự kiến tập trung vào tám (08) nhóm chính sách lớn: Tiêu chí sàng lọc dự án; thẩm định, đánh giá tác động môi trường; giấy phép môi trường; quản lý chất thải và công nghệ xử lý chất thải; quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường; trách nhiệm quản lý nhà nước và việc phân công, phân cấp thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; công cụ kinh tế và nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường; bảo đảm thống nhất, đồng bộ các quy định về bảo vệ môi trường trong các Luật khác có liên quan; các nhóm chính sách khác.
Phát biểu tại cuộc họp, các đại biểu là lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục Môi trường thống nhất ý kiến với báo cáo của Vụ Chính sách và Pháp chế. Tuy nhiên, để Luật (sửa đổi) được áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn, theo các đại biểu, cần thiết xác định rõ phạm vi vấn đề, các quy định cần sửa đổi trong Luật Bảo vệ môi trường và các Luật có liên quan đến bảo vệ môi trường; thống nhất quan điểm trong sửa đổi Luật tại tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương và cả cộng đồng người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các quy định về đánh giá tác động môi trường nên được sửa cho thống nhất với các quy định hiện hành của các nước trong khu vực. Việc này là rất cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập khu vực và thế giới.
Ngoài ra, cần thiết tổ chức các buổi tọa đàm về việc đánh giá tác động môi trường do các chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm tham gia. Nên có đội ngũ chuyên gia kỳ cựu là trọng tài, có những tiếng nói khách quan khi có vấn đề, vụ việc về môi trường xảy ra.
Thống nhất với báo cáo của Vụ trưởng Dương Thanh An và các ý kiến góp ý tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài cho rằng: Việc sửa đổi các quy định pháp luật về môi trường hiện hành đã trở nên bất cập là rất cần thiết. Cần xem xét, nghiên cứu áp dụng kinh nghiệm của các nước trong khu vực và các nước phát triển vào quá trình sửa Luật.
Xác định nhiệm vụ sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường và các Luật khác có liên quan là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác gồm lãnh đạo Tổng cục và các đồng chí Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Tổng cục, đồng thời, yêu cầu các đơn vị hợp tác tối đa với Vụ Chính sách và Pháp chế để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ đạt yêu cầu về tiến độ và nội dung.
(theo http://vea.gov.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn