8 triệu tấn rác thải vận chuyển giữa các nước
Theo báo cáo của Ban Thư ký Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển qua biên giới các phế thải nguy hiểm và việc tiêu hủy chúng, việc buôn bán chất thải giữa các nước chủ yếu tập trung vào các chất thải có thể tái chế, đặc biệt là các phế liệu kim loại, gồm có kim loại màu, kim loại đen, xỉ và cặn kim loại, phế liệu gốc kim loại như động cơ và xe cơ giới qua sử dụng, phế liệu phá dỡ tàu cũ.
Hàng năm, trên thế giới có khoảng 50 triệu tấn chất thải độc hại được tạo ra và có khoảng 8 triệu tấn được vận chuyển giữa các nước. Đó là con số có thể thống kê từ những phi vụ vận chuyển hợp pháp, còn trên thực tế không thể biết được con số chính xác. Hầu hết chúng được chở từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển ở châu Phi và một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam, theo ước tính có khoảng 3 triệu tấn phế liệu, rác thải độc hại Việt Nam nhập về mỗi năm. Số liệu thống kê của Cục Hải quan Hải Phòng, chỉ riêng các cảng tại thành phố này đã chứa khoảng 5.000 container hàng quá hạn làm thủ tục. Cục Hải quan Hải Phòng mới chỉ khám xét được 1.353 container, trong đó, có 104 container chứa nhựa phế liệu, máy tính, linh kiện điện tử cũ, nát, 1.085 container chứa lốp cao su đã qua sử dụng và 164 container quần áo cũ…
Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường - C49 (Bộ Công an) cho biết, do lợi nhuận cao từ việc buôn bán phế thải, chất thải nguy hại nên đã hình thành các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia về lĩnh vực môi trường.
*Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các nước
Theo các chuyên gia, để ngăn chặn được tình trạng trên sớm thiết lập kênh thông tin trao đổi giữa các quốc gia xuất nhập khẩu giữa các cơ quan trong và ngoài nước liên quan đến điều tra tội phạm môi trường. Chương trình Liên Hợp Quốc có thể đóng vai trò trung gian trong việc kết nối các nước và các tổ chức với nhau; tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa Hải quan và các cơ quan hữu quan trong nước, các cơ quan đầu mối thực thi các điều ước về môi trường trong việc kiểm soát xuất nhập khẩu.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng, Bộ TN&MT cho biết: Thời gian qua, các quốc gia thành viên đã cùng hợp tác để tăng cường và bảo đảm việc quản lý về môi trường đối với chất thải nguy hại và các loại chất thải khác. Cơ quan thẩm quyền Công ước Basel của Việt Nam, Tổng cục Môi trường thường xuyên trao đổi thông tin, văn bản với Ban Thư ký Công ước về việc xây dựng các văn bản pháp luật nhằm thực hiện điều ước ngăn ngừa vận chuyển xuyên biên giới trái phép chất thải nguy hại và đã đạt được những kết quả đáng được ghi nhận.
Tuy vậy, các nước cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa nhằm ngăn ngừa việc vận chuyển bất hợp pháp chất thải nguy hại. Việc hợp tác ở cấp quốc gia giữa các cơ quan có thẩm quyền và các Bộ, cơ quan có liên quan khác như hải quan và công an đóng vai trò quan trọng để giải quyết vấn đề này.
M.Phạm
(Theo CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ TNMT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn