Hàng năm, Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn được tổ chức để kỷ niệm những thành công đã đạt được và khẳng định, cách duy nhất để giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu là chúng ta phải cùng đưa ra các quyết định và hành động chung dựa trên cơ sở khoa học. Năm nay, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ra những khó khăn về kinh tế và xã hội cho nhân loại, thông điệp từ các thỏa thuận về bảo vệ tầng ô-dôn như hợp tác hài hòa và vì lợi ích tập thể càng phải được đề cao hơn bao giờ hết.
Khẩu hiệu “Bảo vệ tầng ô-dôn vì sự sống” nhắc nhở cộng đồng về tầm quan trọng của tầng ô-dôn đối với sự sống trên Trái đất và chúng ta phải tiếp tục bảo vệ tầng ô-dôn cho các thế hệ tương lai. Chủ đề trên đã được viết dưới 6 ngôn ngữ chính thức của Liên hợp quốc.
Trái đất sẽ không có sự sống nếu thiếu ánh sáng mặt trời. Nhưng nếu không có tầng ô-dôn thì năng lượng phát ra từ mặt trời sẽ thiêu rụi sự sống trên Trái đất. Nhờ có lớp ô-dôn ở tầng bình lưu, Trái đất được che chắn khỏi hầu hết các bức xạ cực tím có hại từ mặt trời và giúp cho cuộc sống diễn ra bình thường như ngày hôm nay.
Do vậy, vào năm 1970, khi các nhà khoa học phát hiện ra rằng loài người đang tạo ra một lỗ hổng trên tấm lá chắn bảo vệ này, họ đã đưa ra các cảnh báo nhằm cố gắng ngăn chặn lỗ hổng đó. Qua nghiên cứu, tầng ô-dôn bị đục thục bởi các chất làm suy giảm tầng ô-dôn (ODS) được sử dụng trong các bình xịt và thiết bị làm lạnh như tủ lạnh và điều hòa không khí. Điều này đe dọa làm tăng tỷ lệ các bệnh ung thư da và đục thủy tinh thể; phá hủy cây trồng, hoa màu và hệ sinh thái.
Năm 1985, các quốc gia trên thế giới đã cùng ký kết một thỏa thuận lịch sử mang tên Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng cho nỗ lực bảo vệ tầng ô-dôn trên phạm vi toàn cầu. Sau đó, Nghị định thư Montreal của Công ước này ra đời. Các quốc gia, các nhà khoa học và ngành công nghiệp đã nỗ lực hành động cùng nhau nhằm cắt giảm 99% lượng tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.
Để hỗ trợ thực thi Nghị định thư Montreal, Bản Sửa đổi, bổ sung Kigali có hiệu lực vào năm 2019 hướng tới mục tiêu cắt giảm khí hydrofluorocarbon (HFC) -thuộc nhóm các khí nhà kính có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao và gây hại cho môi trường. Nhờ có Nghị định thư Montreal, tầng ô-dôn đang dần hồi phục và được kỳ vọng sẽ trở về nguyên trạng trước năm 1980 vào giữa thế kỷ.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn