Robot vớt rác trên sông
“Robot vớt rác” là sản phẩm sáng tạo của hai em học sinh Thân Đình Uyên Khanh và Phan Lê Anh Duy đến từ trường THCS Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã gây ấn tượng bởi tính ứng dụng thực tế của mình. Sản phẩm đã đạt giải Ba cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2017.
Uyên Khanh cho biết, chiếc máy vớt rác này được làm từ những vật liệu dễ kiếm và một số vật liệu phế thải từ những cửa hàng sửa chữa xe máy, sửa chữa điện nước, có giá thành rẻ; đồng thời máy được thiết kế để hoạt động bằng năng lượng mặt trời, giúp bảo vệ môi trường.
Robot vớt rác được thiết kế giống như một chiếc tàu thông thường với 5 phần riêng biệt gồm: bộ phận tời để vớt rác, khung tàu, lớp phao nổi, các bộ phận điện tử, mô tơ, cảm biến, điều khiển, tấm pin mặt trời và ắc quy tích điện.
Về cơ chế hoạt động, theo Anh Duy, máy có hai chế độ chạy: điều khiển tự động và điều khiển bằng tay. Trong khi vận hành tự động gặp vật cản, máy có thể chạy lùi rồi rẽ theo hướng khác nhờ một cảm biến siêu âm đặt phía trước mui tàu. Đồng thời, một thiết bị cảm biến khác cũng được đặt phía trên thùng rác để máy tự động nhận biết khi rác đầy. Khi đó, bộ phận kéo rác tự động dừng lại, chuyển qua chế độ điều khiển bằng tay để con người dùng remote điều khiển robot vào bờ.
So sánh với các sản phẩm đã có trên thị trường, Uyên Khanh chia sẻ, hiện nay những chiếc máy vớt rác đang được bày bán có tầm cỡ lớn, khi vận hành thì tốn nhiên liệu và năng lượng, không tự động và linh hoạt, hao tốn nhân công, nhân lực. Từ những hạn chế đó, hai em đã thiết kế robot với hình dáng nhỏ gọn hơn, trọng lượng không quá lớn, đảm bảo tính linh hoạt và có thể tự động vận hành, làm việc được trong môi trường có không gian chật hẹp, vùng nước nông như các kênh, ao hồ…
Robot nhặt rác
2 bạn Nguyễn Ngọc Sơn và Lê Minh Quyến đã chế tạo robot nhặt rác và làm vệ sinh môi trường có cấu tạo khá đơn giản gồm: Bộ khung và bánh xe, động cơ, bộ điều khiển, một số vi mạch điện tử và bộ phận hót rác.
Bộ khung được cấu tạo gồm sáu thanh nhôm. Cơ chế di chuyển giống như những chiếc xe tăng sử dụng bánh xích, giúp robốt có thể đứng yên một chỗ mà vẫn có thể xoay tròn 3600 quay đầu mà không sợ làm ảnh hưởng dến những người tham gia giao thông trên đường.
Bộ phận hót rác, gồm bộ chổi được làm từ nhiều sợi dây cước gắn lên trên 1 ống nhựa, ống nhựa này được gắn với 1 động cơ quay tròn. Phần máng hót rác được làm từ nhựa dẻo và phần chắn rác được làm bằng 1 miếng nhôm. Còn lại là khoang chứa rác được làm bằng inox. Kỳ công hơn cả là bộ điều khiển từ xa được cấu tạo bởi hai phần chính là khung nhựa, bảng vi mạch điện tử và pin.
Robot "bay" bảo vệ môi trường
Ý đã đưa vào hoạt động khí cầu robot đầu tiên nhằm giúp các nhà nghiên cứu sinh học khắc phục vấn đề ô nhiễm và gìn giữ môi trường. Khí cầu này, hay còn được gọi là máy bay không người lái (UAV), được đưa vào bầu trời mang theo các thiết bị kỹ thuật dùng để đánh giá chất lượng nước và không khí. Thành phần đất trồng cũng sẽ được đánh giá bằng cách sử dụng một camera hồng ngoại gắn trên khí cầu.
“Thiết bị tiên tiến này sẽ cho phép chúng tôi lấy mẫu thử của các chất như phân tử bụi nguyên chất, carbon dioxide và nitrous oxide trong không khí”, Ernesto Landi, chủ tịch hội sinh học quốc gia Ý cho biết. “Nó cũng có thể được sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp, ví dụ như phân tích các đám mây độc sau khi xảy ra các sự cố công nghiệp”.
Khí cầu được điều khiển bởi một máy tính trung tâm và có thể truyền dữ liệu về trạm kiểm soát ở mặt đất ngay lập tức. Nó không gây tiếng ồn cũng như không gây ô nhiễm môi trường do sử dụng hai động cơ điện. Hai động cơ này cũng cho phép nó bay lơ lửng trong không trung tại một điểm ở bất kỳ độ cao nào.
Một trong các điểm đặc biệt quan trọng nhất của khí cầu này là có khả năng lên xuống các độ cao khác nhau mà không làm nhiễu loạn không khí, nhờ đó không làm ảnh hưởng đến độ chính xác của các phân tích.
Khí cầu dài 12 m này là khí cầu robot đầu tiên của Ý không dùng vào mục đích quân sự. Theo các nhà chế tạo, phạm vi ứng dụng của nó khá rộng: kiểm soát các khu rừng và các công viên tự nhiên, đánh giá mức độ ô nhiễm không khí, nghiên cứu các khu vực bị ảnh hưởng bởi các thảm họa thiên nhiên và do con người gây ra.
Anh Tuấn
moitruong.com.vn
Nguồn Cổng TTĐT Tổng cục MT
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn