Báo cáo tại buổi họp, Cục trưởng Cục CNTT&DLTNMT Lê Phú Hà cho biết, căn cứ theo Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Cục sẽ tập trung hướng tới công tác quản lý, hoạch định chính sách, chỉ đạo, điều hành và chuyên môn của ngành tài nguyên và môi trường cơ bản dựa trên dữ liệu và kết quả phân tích, xử lý dữ liệu sử dụng công nghệ số, thông minh.
Cụ thể, đối với từng nội dung: Hoàn thiện cơ bản hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kinh tế - kỹ thuật đáp ứng tiến trình chuyển đổi số, tiến tới Chính phủ số; 100% báo cáo tổng hợp, báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê của Bộ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng, kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; 100% người làm việc trong ngành được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng số, trong đó, 30% được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu;…
Theo đó, các nhiệm vụ trong giai đoạn 2021-2025 sẽ được thực hiện gồm: Kiến tạo, cải cách thể chế đáp ứng cho chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số; phát triển hạ tầng dữ liệu; xây dựng nền tảng ứng dụng, dịch vụ số; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; phát triển chính phủ số ngành tài nguyên và môi trường; phát triển kinh tế số; cung cấp dịch vụ phát triển xã hội số;...
Bên cạnh đó, Cục sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chương trình chuyển đổi số tài nguyên và môi trường đến năm 2025, định hướng năm 2030. Đảm bảo các kế hoạch được thực hiện đúng tiến độ, mục tiêu, hiệu quả.
Liên quan đến vấn đề về pháp luật, ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ TN&MT) cho rằng: Trong các văn bản pháp luật, cần xác định nội dung chuyển đổi số cần sửa đổi là gì?. Liên quan đến cơ sở dữ liệu trong ngành tài nguyên môi trường vẫn còn phân nhánh nhiều, cần tích hợp, có mục thống nhất, đặc biệt là ở các Sở, việc tổng hợp, lưu trữ rất khó khăn.
Theo ông Hùng cần có sự phân định rõ ràng, thứ nhất là về thể chế cần xác định các nội dung cần sửa đổi, tích hợp, thống nhất để phục vụ cho chuyển đổi số. Thứ hai, đối với thủ tục hành chính, xây dựng quy phạm pháp luật, hiện nay một số đã làm trực tuyến nhưng mà hành lang pháp lý để làm trực tuyến vẫn còn chưa đồng bộ.
Tại buổi làm việc, các đơn vị tham dự cơ bản nhất trí với Kế hoạch Ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính phủ số, chuyển đổi số ngành tài nguyên môi trường.
Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đề nghị Cục CNTT&DLTNMT tiếp thu ý kiến của các đơn vị để sớm hoàn thiện kế hoạch trình lên Chính phủ, phối hợp với các đơn vị để thực hiện các nhiệm vụ cần cân đối, sắp xếp cho phù hợp.
Thứ trưởng cũng đề nghị, Cục cần hướng dẫn, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ trong việc xây dựng, thẩm định, trình phê duyệt và thực hiện các dự án, nhiệm vụ trong Kế hoạch; tham gia thẩm định, kiểm tra và nghiệm thu dự án, nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong Kế hoạch theo quy định. Đồng thời, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thực hiện Kế hoạch đảm bảo tiến độ, mục tiêu, hiệu quả; tổng hợp tình hình báo cáo Bộ theo chế độ quy định.
Nguồn tin: Cổng TTĐT Bộ TNMT
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn