40% lượng khí thải carbon là từ công trình xây dựng
Hiện nay, ngành xây dựng Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức liên quan đến đô thị hóa và hiện đại hóa, đặc biệt là sự suy giảm tài nguyên thiên nhiên, cạn kiệt năng lượng nhiên liệu hóa thạch, tăng phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường.
Chia sẻ tại Hội thảo quốc tế “Mặt dựng xanh trong kiến trúc hiện đại” do Tạp chí Kiến trúc phối hợp cùng Tập đoàn AGC tổ chức sáng 26/10, tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, sự phát triển quá mức đã đe dọa hành tinh của chúng ta; trong đó, các công trình xây dựng thải ra gần 40% lượng khí thải carbon và cũng sử dụng khoảng 40% tổng năng lượng quốc gia. Việc tiêu tốn năng lượng và vật liệu đặt ra những vấn đề cấp bách, nhưng quan trọng hơn là ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng môi trường sống và sức khỏe của chúng ta.
heo thống kê, 104 trong 194 nước ký Thỏa thuận chung Paris đã cam kết nâng cao hiệu quả năng lượng của công trình nhằm đáp ứng các mục tiêu. Song mới chỉ có 68 nước đã có quy định về năng lượng trong công trình. Trong khi đó, ước tính đến năm 2050, dân số thế giới sẽ tăng 27% đạt 9,8 tỷ và tổng diện tích sàn trên toàn cầu sẽ tăng 100%; lúc này nhu cầu về năng lượng sẽ tăng 50%.
Bên cạnh đó, việc phát triển các công trình xanh ở nước ta đang còn nhiều rào cản. Ông Allan Teo, Giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Hội đồng Công trình xanh Thế giới (WGBC) cho rằng, thiếu động lực, không có tầm nhìn là những thách thức chính đối với thiết kế công trình xanh. Việc đánh giá công trình xanh cũng còn nhiều khó khăn, đặc biệt là về kinh nghiệm, giải pháp và công nghệ. Chưa kể, để đánh giá yếu tố bền vững của công trình, điều quan trọng là phải theo sát quá trình từ thiết kế đến xây dựng, cũng như trong thời gian sử dụng của công trình.
“Mặt dựng xanh” tiết kiệm năng lượng
Theo các chuyên gia kiến trúc, việc phát triển công trình xanh tạo ra môi trường trong lành vẫn được coi là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên trái đất ngày một nghiêm trọng. Công trình Xanh là một nỗ lực lớn của ngành xây dựng toàn cầu để giảm nhẹ hậu quả của biến đổi khí hậu. Cuộc cách mạng Công trình Xanh đang diễn ra trên toàn thế giới, nó là một phần của cuộc cách mạng có phạm vi rộng hơn và có tính bền vững hơn.
Để phát triển các công trình xanh phát triển bền vững, công nghệ và vật liệu xanh đóng vai trò quan trọng. Ông Allan Teo nhìn nhận, chúng ta đã bắt đầu có đủ công nghệ và vật liệu để áp dụng các thiết kế xanh nhưng không dừng lại ở đó vẫn cần liên tục đổi mới và thúc đẩy các ranh giới để cải thiện.
Vật liệu phủ bề mặt, ở đây là mặt dựng có vai trò quan trọng trong giải pháp thiết kế các công trình xanh, PGS.TS Nguyễn Quốc Thông đánh giá, “mặt dựng xanh” có vai trò quan trọng trong việc tạo ra một công trình xanh từ thiết kế, cấu trúc, vật liệu, màu sắc...
Theo KTS Nguyễn Quốc Thông, mặt dựng xanh của công trình kiến trúc không chỉ liên quan đến chất lượng về thẩm mỹ kiến trúc mà còn thúc đẩy hiệu quả nhiều mặt về tiết kiệm năng lượng. Với kiến trúc mặt dựng công trình tối ưu sẽ giúp tiết kiệm 40% năng lượng trong vận hành công trình. Phát triển các hệ mặt dựng xanh cho công trình sẽ đóng góp có hiệu quả cho sự phát triển bền vững kiến trúc Việt Nam trong thời gia tới.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, kiến trúc sư cũng phân tích, thảo luận về những ứng dụng vật liệu mặt dựng xanh trong bối cảnh và công trình cụ thể ở Việt Nam và trên thế giới. Các chuyên gia một lần nữa khẳng định, cần thiết kế “xanh”, xây dựng “xanh” và vận hành cũng cần “xanh” để hướng tới một tương lai tươi đẹp cho cộng đồng.
BBT (Nguồn: Báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn