Phát triển công nghệ dự báo: Chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa
Để chuyển từ thế bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa thiên tai, tỉnh Nam Định đã và đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chú trọng đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác phòng chống thiên tai, trong đó, trọng tâm là công nghệ dự báo.
*Đan dày mạng lưới quan trắc Năm 2021, tỉnh Nam Định tiếp nhận thêm 10 trạm đo mưa tự động tại các huyện, thành phố do Quỹ Cộng đồng Phòng tránh thiên tai tài trợ, nâng tổng số trạm đo mưa tự động của tỉnh lên 24 trạm đo mưa tự động. Thông qua mạng lưới này, dữ liệu do các trạm đo mưa chuyên dùng tự động liên tục được cập nhật kết nối với ứng dụng trên thiết bị di động giúp cán bộ theo dõi có thể trích xuất mọi thông tin cần thiết đảm bảo nhanh, chính xác phục vụ công tác dự báo và phòng chống thiên tai (PCTT) của tỉnh. Trung tâm quan trắc và phân tích Tài nguyên Môi trường (Sở TN&MT) đã xây dựng hệ thống quản lý theo quy trình VILAS. Trên cơ sở trang thiết bị, máy móc được đầu tư đồng bộ cùng với đội ngũ cán bộ, nhân viên có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đã xác định, đánh giá chính xác hiện trạng môi trường, từ đó đề xuất những biện pháp, giải pháp hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu và PCTT. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thành việc lắp đặt các thiết bị theo dõi mực nước, các đoạn đê kè, cống xung yếu tại 7 điểm trên các tuyến song: Đào, Đáy, Hồng, Ninh Cơ, cống Thanh Niên và các khu neo đậu tàu, thuyền của tỉnh; lắp đặt 9 camera theo dõi đê điều, 4 vị trí camera nhằm giám sát trực tuyến các khu vực trọng yếu. Ngoài ra, tỉnh Nam Định còn được Tổng cục Phòng chống thiên tai hỗ trợ tập huấn, phổ biến kinh nghiệm; trang bị 2 thiết bị flycam, 2 máy đo độ sâu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành PCTT. Như vậy, đến nay, tất cả hình ảnh, dữ liệu tổng quan công trình đê điều, cao trình mặt nước, mực nước sông và việc đóng mở cống… được cập nhật liên tục và truyền về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
*Ứng dụng công nghệ mới Để nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thủy văn, phục vụ công tác PCTT, tỉnh Nam Định yêu cầu Đài Khí tượng thủy văn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ nghiệp vụ như: công nghệ tổng hợp dữ liệu, mô hình hoá các phương án dự báo thủ công thực hiện trên giấy sang sử dụng trực tiếp trên máy tính. Đặc biệt, Đài khí tượng thủy văn cần chủ động tiếp cận, khai thác ứng dụng có hiệu quả các công cụ dự báo, phương án dự báo, mô hình dự báo khí tượng như: mô hình hạn vừa châu Âu, SYNOP GIS, JMA, GFS, KMA công cụ dự báo điểm 10 ngày; phần mềm xem ảnh mây vệ tinh Himawari 8, DROVAK... để cập nhật các yếu tố thời tiết như: mưa, nhiệt độ, độ ẩm, gió trên các mực khí áp giúp chất lượng dự báo các bản tin hạn ngắn (hàng ngày 12-24 giờ) đạt 85%, hạn vừa (3-10 ngày) và hạn dài (tháng, mùa, khí hậu) đạt 78%. Đài Khí tượng thủy văn đang triển khai đề tài “Nghiên cứu đề xuất hệ thống cảnh báo, dự báo sớm cấp độ rủi ro thiên tai do ngập úng và xâm nhập mặn tại tỉnh Nam Định” (thực hiện từ năm 2021 đến năm 2023). Kết quả của đề tài sẽ đưa ra các sản phẩm là: bộ bản đồ nguy cơ ngập úng với tần suất 1%, 5%, 10%; bộ bản đồ phân vùng cảnh báo xâm nhập mặn; bộ dữ liệu và công cụ quản lý cơ sở khí tượng thủy văn phục vụ nghiên cứu dự báo, cảnh báo ngập úng, xâm nhập mặn cho tỉnh. Đồng thời đề xuất các giải pháp công trình và phi công trình trong quy hoạch mạng lưới cấp, thoát nước, cơ sở hạ tầng thích ứng, phòng chống ngập úng, xâm nhập mặn của tỉnh. Cùng đó, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh thực hiện đề tài ứng dụng công nghệ Web-GIS (hệ thống thông tin địa lý hoạt động trên nền tảng web) để “số hóa” toàn bộ cơ sở dữ liệu đê điều, bao gồm các phân hệ: bản đồ, quản lý (mặt cắt, vi phạm, kế hoạch, báo cáo, vật tư, nhân sự). Việc ứng dụng công nghệ Web-GIS đã tạo điều kiện cho người quản lý có thể thao tác sử dụng mọi nơi, mọi lúc, trực tiếp trên các thiết bị có kết nối mạng internet như máy tính hoặc điện thoại di động. Cơ sở dữ liệu này cho phép lực lượng quản lý đê cập nhật một cách dễ dàng về hiện trạng các tuyến đê trong tỉnh một cách nhanh chóng và chính xác nhất, giúp chủ động trong công tác quản lý, duy tu, sửa chữa và ứng cứu hộ đê trong mùa lũ. Dự báo chính xác giúp chính quyền các cấp tỉnh Nam Định xây dựng sớm kịch bản phòng ngừa, ứng phó, khắc phục các thiệt hại do thiên tai gây ra. Mục tiêu giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh Nam Định.