Cuối phiên họp sáng 12-3, UBTVQH đã cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đo đạc và bản đồ.
Trình bày báo cáo về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCNMT) của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, có ý kiến ĐBQH đề nghị xem xét, bổ sung quy định việc cung cấp miễn phí thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, giám sát tài nguyên và môi trường. Thường trực Ủy ban KHCNMT và Ban soạn thảo đều cho rằng, việc miễn phí cung cấp thông tin, dữ liệu sản phẩm đo đạc và bản đồ phải thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí nên không cần thiết phải quy định vào luật này.
Tuy nhiên, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật vẫn có ý kiến ĐBQH đề nghị cần quy định cụ thể ngay trong luật này việc cung cấp miễn phí thông tin, dữ liệu phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh để bảo đảm việc thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh cấp bách.
Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị quy định cụ thể miễn lệ phí đối với dữ liệu phục vụ nhiệm vụ quốc phòng. “Những doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng nhưng sử dụng thông tin không phải để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng thì vẫn phải nộp phí như tất cả các đối tượng khác”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói rõ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng cần thiết phải có “bộ lọc” để phân loại, phân cấp, minh định những gì được khai thác miễn phí, những gì phải giữ bí mật. Theo ông Vũ Hồng Thanh, dự thảo luật cần thể hiện quan điểm chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ; có phần mềm quản lý thống nhất và lựa chọn định dạng phù hợp, thuận tiện cho việc khai thác, sử dụng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Định lưu ý đến xu hướng chuyển từ cơ chế “phí” sang “giá” và đặc điểm của hoạt động này là có những phần việc do tư nhân, thậm chí đơn vị nước ngoài thực hiện, chỉ có thể “miễn phí” đối với những thông tin, dữ liệu được thu thập, xử lý bằng tiền ngân sách. “Cho nên ghi là “kinh phí do nhà nước bảo đảm” thì hợp lý hơn”, người đứng đầu Ủy ban Pháp luật gợi ý.
Đáng lưu ý, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị bổ sung những quy định về địa danh và tính lịch sử của bản đồ liên quan đến chủ quyền, bản quyền và quan hệ quốc tế. Một ví dụ được ông nêu là trường hợp ứng dụng Google Map…
Liên quan đến từ ngữ sử dụng trong dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị sử dụng thuật ngữ “tập bản đồ chính thức quốc gia” thay vì “Atlas”. Nhiều thành viên UBTVQH đồng ý với ý kiến này trên quan điểm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Giải trình thêm sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết sẽ làm rõ những loại hoạt động được miễn chi phí; đồng thời thiết kế “bộ lọc” theo hướng mở, hoạt động nào Nhà nước không cấm thì tư nhân được làm. Theo Bộ trưởng, điều này tạo thuận lợi cho xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ.
“Tư tưởng của Luật là “mở” để tư nhân có thể làm bản đồ chuyên dụng, ứng dụng công nghệ hiện đại nhất; ứng dụng công nghệ 4.0 và Internet kết nối vạn vật”, ông Trần Hồng Hà khẳng định.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, dự án đã đạt được sự đồng thuận về những vấn đề cơ bản. Cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp thu ý kiến UBTVQH để hoàn chỉnh dự thảo, gửi xin ý kiến các đoàn ĐBQH và sau đó trình ra kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.
BBT (Nguồn: SGGPO)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn