Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân tại buổi làm việc trực tuyến với các đơn vị: Tổng cục Môi trường, Tổng cục Khí tượng thủy văn, Cục quản lý tài nguyên nước, Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu TN&MT,…, vào chiều ngày 01/4, tại Hà Nội.
Thành công khi xây dựng phần mềm Quản lý số liệu quan trắc tự động
Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, thực hiện chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực môi trường, từ năm 2003, Tổng cục Môi trường đã xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu quan trắc môi trường cho các trạm quan trắc tự động, liên tục trong mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia (Trạm quốc gia). Phần mềm được Tổng cục Môi trường chỉnh sửa và hoàn thiện qua từng năm. Tuy nhiên, với yêu cầu tiếp nhận, quản lý toàn bộ dữ liệu quan trắc tự động, liên tục (xung quanh và phát thải) trên phạm vi cả nước, phần mềm phải xây dựng trên nền tảng công nghệ hiện đại, có khả năng thu thập và xử lý dữ liệu lớn (Bigdata), đồng bộ số liệu theo thời gian thực; tốc độ xử lý nhanh; hạ tầng thông minh, tích hợp “tất cả trong một”…Do vậy, năm 2018, trên cơ sở kế thừa và phát triển phần mềm Quản lý dữ liệu quan trắc, phần mềm Quản lý số liệu quan trắc môi trường tự động (Envisoft) đã được xây dựng.
Phần mềm Envisofl này được triển khai xây dựng với định hướng phát triển công nghệ mới hiện nay như: xử lý dữ liệu lớn tốc độ cao (Big data), máy học, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tích hợp và triển khai tiên tiến (Docker), nền tảng công nghệ live streaming hỗ trợ tích hợp các camera theo thời gian thực; và phải tiếp nhận, quản lý được số liệu của hàng nghìn trạm quan trắc tự động, liên tục.
Envisoft được xây dựng đã giải quyết được các yêu cầu về: thu thập, xử lý dữ liệu lớn; giám sát dữ liệu, tình trạng thiết bị theo thời gian thực; điều khiển và giám sát lấy mẫu; kiểm duyệt dữ liệu; quản lý truyền nhận dữ liệu giữa Trung ương và địa phương; khai thác, công bố và chia sẻ dữ liệu.
“Tính năng nổi bật của phần mềm là tích hợp các nghiệp vụ trên cùng 01 phần mềm, giúp công tác điều hành hiệu quả hơn; điều khiển và giám sát hoạt động của các trạm quan trắc tự động mọi lúc, mọi nơi; cập nhật kịp thời các chính sách, văn bản hiện hành; tích hợp sẵn các công cụ sao lưu dữ liệu tự động”, đại diện Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc cho hay.
Đến nay, Tổng cục Môi trường đã chuyển giao phần mềm cho 57 Sở TN&MT của các tỉnh, thành phố trên cả nước và đều được các Sở TN&MT đánh giá cao trong việc hỗ trợ Sở từ việc tiếp nhận dữ liệu của cdoaác nh nghiệp đến việc quản lý, giám sát, cảnh báo và truyền dữ liệu về Bộ TN&MT. Sau khi chuyển giao phần mềm cho 57 Sở TN&MT địa phương, phần mềm đã kết nối, tiếp nhận số liệu của 698 Trạm quan trắc tự động, liên tục bao gồm: 526 trạm phát thải của doanh nghiệp; 69 trạm quan trắc môi trường nước mặt; 58 trạm quan trắc không khí xung quanh.
Đặc biệt, song song với việc triển khai thực hiện chuyển giao phần mềm Envisoft cho Sở TN&MT của các tỉnh, thành phố trên cả nước, Tổng cục Môi trường còn thực hiện xây dựng Ứng dụng khai thác, sử dụng số liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục trên nền tảng di động, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, nhu cầu về thông tin chỉ số chất lượng môi trường không khí tới cộng đồng và là công cụ đắc lực cho các nhà quản lý khi thực hiện thanh kiểm tra, giám sát hoặc tra cứu dữ liệu quan trắc tự động liên tục.
Theo kế hoạch, vào quý II/2020, Tổng cục Môi trường sẽ tiếp tục chuyển giao phần mềm Envisoft tới 6 địa phương còn lại. Trong các năm tiếp theo, nâng cấp và mở rộng các chức năng mới đáp ứng công tác quản lý nhà nước về môi trường, như tính toán lan truyền ô nhiễm, dự báo, cảnh báo… cho phần mềm Envisoft.
Kết nối dữ liệu về môi trường, nước, khí tượng thủy văn
Đánh giá cao tính thiết thực của phần mềm Envisoft trong việc hỗ trợ quản lý môi trường dựa trên hệ thống công nghệ thông tin, phục vụ hữu ích, kịp thời tới người dân về chất lượng không khí tại nhiều địa phương trong cả nước, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, yêu cầu đặt ra trong thời gian tới là nâng cấp hoàn thiện phần mềm này để đáp ứng tốt hơn công tác quản lý trước mắt và lâu dài, bắt kịp sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin, công nghệ số trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0.
Thứ trưởng gợi mở, phần mềm Quản lý số liệu quan trắc tự động của Tổng cục Môi trường có thể tính đến việc tích hợp cả cơ sở dữ liệu các lĩnh vực quản lý tài nguyên nước và khí tượng thủy văn, viễn thám.
Bàn về vấn đề này, ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn thông tin, hiện ngành khí tượng thủy văn có khoảng hơn 1.000 trạm quan trắc tự động. Để đảm bảo sự chính xác của số liệu, cần có quy định, quy chuẩn về việc xử lý số liệu, chuẩn hóa số liệu khi cung cấp về trung tâm và chuyển đến người dân. Để tích hợp với dữ liệu chất lượng môi trường không khí, cần lựa chọn một số thông số ảnh hưởng đến phát tán ô nhiễm không khí để đưa vào như nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, hướng gió, tốc độ gió…
“Cùng với đó, việc dự báo có thể theo cụm hoặc theo điểm. Chúng tôi sẵn sàng cùng Tổng cục Môi trường xây dựng một bản đồ phân vùng dự báo, trước mắt tập trung cho các thành phố, đô thị lớn, khu du lịch, khu công nghiệp”, ông Cường cho hay.
Còn theo ông Châu Trần Vĩnh - Phó Cục trưởng cục Quản lý Tài nguyên nước, trong khoảng 6.700 giấy phép xả nước thải, có 350 giấy phép do Bộ TN&MT quản lý và cấp phép. Các cơ sở này đều lắp đặt quan trắc tự động, vì vậy, dễ dàng kết nối truyền dữ liệu trực tiếp.
Ghi nhận sự chia sẻ của các đơn vị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chỉ đạo, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện, nâng cấp phần mềm Quản lý số liệu quan trắc tự động; hướng đến sự kết nối đồng bộ số liệu giữa các lĩnh vực: môi trường, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, từ đó, làm cơ sở để đưa ra dự báo môi trường, đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân./.
Tống Minh
Nguồn tin: Cổng TTĐT Bộ TN&MT
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn