Với tinh thần đảm bảo hoạt động thông suốt, hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ, mục tiêu đã đặt ra; đồng thời hạn chế tập trung đông người, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì các cuộc họp điều hành trực tuyến xử lý công việc của Bộ liên quan đến công tác quản lý đất đai, quy hoạch tài nguyên, khoáng sản…; thảo luận, hoàn thiện các nội dung sửa đổi Luật bảo vệ môi trường….
Để các cuộc họp trực tuyến được thông suốt, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Văn phòng Bộ phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường đôn đốc, phổ biến và hướng dẫn các đơn vị trực thuộc Bộ. Nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành được quán triệt trong tất cả các đơn vị trong Bộ.
Các cuộc họp tháo gỡ vướng mắc với các địa phương cũng đồng thời được Bộ chuyển sang hình thức làm việc mới này. Ngay trong tuần, ngày 12/3 vừa qua, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Cà Mau về một số nội dung liên quan đến công tác quản lý tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh. Việc này đã đem lại hiệu quả cao trong công tác phối hợp, quản lý, điều hành trong công việc.
Theo dự báo, tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến mới, phức tạp, vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh hình thức họp trực tuyến. Hoạt động này sẽ hạn chế việc tập trung đông người, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh và tiết kiệm các chi phí thời gian, đi lại của các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Trước đó, bắt đầu từ năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện việc chỉ đạo điều hành, ký số trên môi trường mạng. Đến năm 2019, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 964/QĐ-BTNMT về việc “Ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025”. Cùng với đó, Bộ đã triển khai nhiều hoạt động tăng cường năng lực cho các cơ quan, đơn vị trong Ngành tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việc triển khai đồng bộ từ Bộ đến các Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp; xây dựng Chính phủ điện tử của Ngành, hướng tới ngành tài nguyên và môi trường số, Chính phủ số và nền kinh tế số.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn