Cụ thể, nhiệt độ trung bình trên toàn quốc trong 6 tháng đầu năm 2018 có xu hướng dao động ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN). Nhiều khả năng sẽ xuất hiện những đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ 5-7 ngày.
Mùa mưa nhìn chung có xu hướng đến sớm ở các khu vực trên phạm vi toàn quốc, các tháng đầu năm 2018 mưa trái mùa có khả năng xuất hiện ở khu vực phía Nam. Lượng mưa từ tháng 4 đến tháng 6/2018 ở Bắc Bộ có khả năng xấp xỉ hoặc cao hơn so với TBNN, các tháng 2,3 và tháng 7 ở mức xấp hoặc thấp hơn TBNN cùng thời kỳ.
Khu vực từ Trung Bộ từ tháng 2-7/2018 phổ biến xấp xỉ so với TBNN; khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ từ tháng 2-5/2018 lượng mưa cao hơn TBNN, trong đó các tháng mùa khô có khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa; từ tháng 6 và tháng 7 lượng mưa phổ biến xấp xỉ TBNN.
Về thủy văn, từ tháng 2/2018, mực nước các sông ở khu vực Bắc Bộ tiếp tục có xu hướng giảm dần. Nguồn nước so với TBNN trên lưu vực sông Đà thuộc khu vực Tây Bắc có xu thế nhiều hơn 10-20%; trên lưu vực sông Thao và sông Lô thuộc khu vực Việt Bắc thiếu hụt khoảng 10-30%; hạ lưu sông Hồng ở mức xấp xỉ TBNN. Trong mùa mưa lũ năm 2018, đỉnh lũ trên các sông suối khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức báo động (BĐ) 2 đến BĐ 3, một số suối nhỏ trên BĐ 3. Do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ, các khu vực đô thị và thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định,... có khả năng xuất hiện vài đợt ngập úng cục bộ.
Mùa khô năm 2017-2018, lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến ở mức tương đương và thấp hơn TBNN. Tình trạng hạn hán, thiếu nước ít khả năng xuất hiện rộng và gay gắt; nhưng cục bộ vẫn có thể xuất hiện ở một số khu vực thuộc Nam Trung Bộ.
Ở khu vực Nam Bộ, mực nước thượng lưu sông Mê Kông xuống dần và ở mức cao hơn TBNN từ 0,2-0,5m, vùng hạ lưu ở mức TBNN. Lượng dòng chảy ở các trạm chính có khả năng cao hơn TBNN từ 10-25%, tương đương và cao hơn mùa khô năm 2016-2017. Tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2017-2018 tại khu vực Nam Bộ ở mức thấp hơn TBNN và tương đương năm 2016-2017. Độ mặn lớn nhất mùa khô năm 2017-2018 có khả năng xuất hiện trong khoảng tháng 3/2018, riêng vùng bán đảo Cà Mau xuất hiện vào tháng 4/2018.
Về tình hình bão, áp thấp nhiệt đới: Dưới tác động của La Nina trong nửa đầu năm 2018, sau đó là pha ENSO trung tính, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam sẽ tương đương hoặc nhiều hơn một ít so với TBNN.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn