Diễn biến thiên tai năm 2018
Nhìn lại diễn biến thiên tai năm 2018, trong những tháng đầu năm hiện tượng ENSO ở pha trung tính, trong những tháng cuối năm đã chuyển dần sang trạng thái El Nino. Các đợt rét đậm, rét hại xuất hiện với tần suất thấp và không kéo dài; nắng nóng không quá gay gắt. Bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) xuất hiện trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta tương đương so với trung bình nhiều năm (TBNN); các đợt mưa lớn xuất hiện nhiều ở cả Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ với các kỷ lục mới được thiết lập gây lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt nghiêm trọng, bao gồm cả các đô thị lớn như Tp. Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh. Lũ sớm và lũ chính vụ tương đối lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long cùng với sạt lở bờ sông gây thiệt hại lớn đến tài sản của nhân dân.
Trong năm 2018, trên khu vực Biển Đông xuất hiện 13 cơn bão và ATNĐ (09 cơn bão và 04 cơn ATNĐ), trong đó có 03 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta: Bão số 3 đổ bộ vào các tỉnh Thanh Hóa-Nghệ An; bão số 4 đổ bộ vào Thanh Hóa; bão số 9 đổ bộ vào các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến Bến Tre. Nhìn chung, các cơn bão ảnh hưởng không lớn đến đất liền nước ta về gió mạnh, gió giật và chủ yếu gây mưa lớn cho các khu vực ảnh hưởng ở Thanh Hóa, Nghệ An, TP.Đà Nẵng, Quảng Nam, TP. Nha Trang, TP.Hồ Chí Minh. Các đợt không khí lạnh (KKL) ảnh hưởng đến nước ta, xấp xỉ so với năm 2017, trong đó có 18 đợt gió mùa đông bắc (GMĐB) và 04 đợt KKL tăng cường (KKLTC), tuy nhiên các đợt KKL không kéo dài nhiều ngày. Các đợt nắng nóng diện rộng xảy ra ít hơn năm 2017, không kéo dài và không quá gay gắt. Các đợt mưa lớn xuất hiện nhiều ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ với các kỷ lục mới được thiết lập gây lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt nghiêm trọng, bao gồm cả các đô thị lớn như Tp. Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh.
Trên khu vực các tỉnh Bắc Bộ có 07 đợt lũ trong đó có 05 đợt lũ lớn và lũ lịch sử tập trung trong các tháng chính vụ mùa mưa lũ. Lũ lịch sử đã xuất hiện trên sông Đà đến hồ Lai Châu, sông Nậm Mu đến hồ Bản Chát, sông Bứa tại Thanh Sơn; sông Nậm Pàn tại Hát Lót; lũ lớn xấp xỉ và vượt mức báo động (BĐ) 3 đã xảy ra trên sông Đà tại hồ Sơn La và Hòa Bình, sông Thao tại Yên Bái và Phú Thọ (đỉnh lũ tại Yên Bái và Phú Thọ lớn nhất từ năm 2009 đến nay), sông Hoàng Long tại Bến Đế, sông Bôi tại Lâm Sơn và Tốt Động. Ngập úng kéo dài trên diện rộng đã xảy ra tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đặc biệt tại các xã Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến, thị trấn Xuân Mai và Tốt Động trong tháng 7. Tình trạng sạt lở đất, lũ quét xảy ra ở nhiều nơi trong các tháng mùa mưa lũ. Đặc biệt, tại hạ lưu thủy điện Hòa Bình, nhiều ngôi nhà thuộc phường Đồng Tiến (Tp. Hòa Bình) đã bị trượt lở xuống sông Đà.
Tại khu vực các tỉnh Trung Bộ: Trong các tháng mùa cạn năm 2018, mực nước trên một số sông xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc. Tình trạng thiếu nước cục bộ đã xảy ra từ tháng 5/2018 ở một số nơi ở Ninh Thuận.
Tháng 7-8/2018, trên các sông ở Thanh Hóa và Nghệ An đã xuất hiện 03 đợt lũ, khu vực phía bắc Tây Nguyên xuất hiện 01 đợt lũ. Đặc biệt, trên sông Mã, Sông Cả tại nhiều trạm đã đạt mức lũ lịch sử và cao hơn lũ lịch sử như: Sông Mã tại Hồi Xuân, trên mức BĐ3 là 1,05m, tương đương lũ lịch sử năm 2007; tại Cẩm Thủy cao hơn 0,33m so với lũ lịch sử năm 2007. Sông Cả tại Tương Dương đã có 02 trận lũ cao hơn từ 1,6-2,9m so với lũ lịch sử năm 2007.
Tại khu vực các tỉnh Nam Bộ: Tổng lượng dòng chảy 03 tháng mùa lũ (tháng 7-9) về đầu nguồn sông Cửu Long năm 2018 rất lớn, ở mức cao hơn TBNN từ 10-35%, tương đương năm 2011 và thấp hơn năm 2000 từ 3-5%. Trong đó, tháng 8 là tháng có tổng lượng dòng chảy cao nhất trong các năm lũ lớn tính từ năm 2000 trở lại đây, mực nước đỉnh lũ năm vượt mức BĐ2.
Trong tháng 10, mực nước tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long chịu ảnh hưởng của 02 đợt triều cường, mực nước cao nhất tại các trạm vùng hạ lưu trên sông Tiền tại Mỹ Thuận là 2,07m (ngày 09/10) trên mức BĐ3 là 0,27m, vượt mức lịch sử năm 2011 là 0,04m; trên sông Hậu tại Cần Thơ là 2,23m (ngày 10/10) trên mức BĐ3 là 0,33m vượt mức lịch sử năm 2011 là 0,08m và cao hơn năm 2000 là 0,44m, gây ngập lụt nghiêm trọng cho khu vực TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ và một số tỉnh ở khu vực miền tây Nam Bộ.
So với năm 2017, năm 2018 số vụ tai nạn trên biển do sóng lớn gây nên ít hơn. Đáng chú ý nhất là đợt KKL mạnh lấn sâu xuống phía Nam vào cuối tháng 11 đã gây ra một số đợt sóng cục bộ cao tới 4-5m gây sạt lở bờ nghiêm trọng tại một số khu vực ven biển cửa sông ở Trung Bộ. Bão số 9 (tháng 11/2018) là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong năm đổ bộ vào ven biển Bình Thuận-Vũng Tầu đã gây sóng lớn cao tới 4-6m trên hành trình đi vào ven bờ gây sạt lở bờ biển, phá hủy nhiều tầu cá, khu nuôi trồng thủy sản tại tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong các tháng cuối năm 2018 mức độ sạt lở bờ biển tại các tỉnh Trung Bộ vẫn diễn ra nghiêm trọng mà nguyên nhân chủ yếu vẫn do tác động của triều cường và sóng lớn và dòng chảy mạnh dọc bờ do gió mùa Đông Bắc gây nên.
Xu thế thiên tai mùa mưa, bão, lũ năm 2019
Mùa bão năm 2019 trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Dự báo số lượng bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm 2019 có khả năng ít hơn so với TBNN, cụ thể có khả năng xuất hiện khoảng 10-12 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông và trong đó có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ trong những tháng nửa cuối năm 2019.
Nhiệt độ trung bình từ tháng 4-8/2019 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn TBNN cùng thời kỳ khoảng 0,5-1,0C.
Nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm hơn trung bình tại các khu vực phía Tây Bắc Bộ và khu vực Trung Bộ. Khu vực miền Đông Nam Bộ còn xuất hiện nhiều ngày nắng nóng trong nửa cuối tháng 3 và tháng 4/2019. Các đợt nắng nóng có khả năng tập trung từ tháng 4-5 ở phía Tây Bắc Bộ, từ tháng 5-6 ở phía Đông Bắc Bộ, từ tháng 5-8 tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.
Khu vực Bắc Bộ: Mùa mưa lũ năm 2019, đỉnh lũ trên các sông suối khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức báo động (BĐ2-BĐ3), một số sông suối nhỏ trên BĐ3. Lũ quét và sạt lở đất có khả năng xuất hiện sớm ngay từ các tháng đầu mùa mưa lũ, nhiều đợt lũ quét và sạt lở đất tập trung tại vùng núi phía Tây Bắc.
Nguồn nước khu vực Tây Bắc và Việt Bắc ở mức xấp xỉ TBNN; khu vực Đông Bắc phổ biến thiếu hụt từ 20-30%; khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, hạ lưu sông Hồng thiếu hụt từ 10-30%.
Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ: Từ tháng 3-5/2019, lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNN; riêng các sông từ Quảng Nam đến Bình Định và Bình Thuận phổ biến ở mức xấp xỉ và cao hơn TBNN. Nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt tình hình hạn hán thiếu nước xảy ra cục bộ ở những vùng nằm ngoài khu vực cấp nước của các công trình thủy lợi.
Từ tháng 6-8/2019, dòng chảy trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh và khu vực Tây Nguyên có xu thế tăng dần; các sông khác ở Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ tiếp tục giảm. Mùa khô năm 2019 ở các tỉnh ven biển Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ khả năng kéo dài tới tháng 8/2019, nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng cửa sông tại các tỉnh thuộc khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Xâm nhập mặn vùng đồng bằng Nam Bộ ít gay gắt hơn so với năm 2016 nhưng vẫn ở mức cao hơn TBNN và cao hơn năm 2018.
Trong mùa lũ năm 2019, đỉnh lũ trên các sông ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ ở mức xấp xỉ TBNN.
Trong năm 2019, tại khu vực ven biển Nam Bộ triều cường cao sẽ xuất hiện vào những ngày thuộc tuần đầu của tháng 10, 11 và 12. Trong khi đó, tại ven biển Nam Trung Bộ nguy cơ triều cường cao tập trung vào tháng giữa 10, 11 và 12, nhất là khi trùng với hoạt động của KKL lấn sâu xuống Trung Bộ. Sạt lở bờ biển tại ven biển Trung Bộ vẫn diễn ra nghiêm trọng do sóng lớn trong gió mùa Đông Bắc kết hợp với triều cường.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn