* Sẵn sàng với thay đổi thời tiết
Những đám mây đen ào áo kéo tới. Sét rạch ngang trời. Mưa gió vần vũ. Mưa ào ào đổ tới, nhanh như lốc. Một cơn bão đang xuất hiện. Lúc đó, hàng loạt câu hỏi kéo tới: Bạn đã sẵn sàng ứng phó chưa? Bạn đã nhận được những cảnh báo nào về thời tiết? Bạn có chủ động phòng chống? Bạn quyết định ở lại hoặc sơ tán?
Việc trả lời những câu hỏi này nằm một phần trong sự chủ động, sẵn sàng ứng phó với thiên tai của mỗi cá nhân. Ở cấp độ một tỉnh, một vùng hay một quốc gia, cũng đều đặt ra các câu hỏi như vậy để chuẩn bị sẵn sàng. Chuẩn bị trả lời được các câu hỏi này từ khi thiên tai chưa xảy ra là cảnh báo sớm.
Các chuyên gia của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) khẳng định, cảnh báo sớm là một yếu tố chính làm giảm nguy cơ thiên tai. Nó có thể ngăn ngừa thiệt hại về người và làm giảm tác động tới kinh tế xã hội.
Trước khi xảy ra các mối nguy hiểm từ thiên tai, các cảnh báo sớm sẽ chuẩn bị cho những người có nguy cơ bị ảnh hưởng cũng như những người có thể tham gia vào việc trợ giúp để có thể sẵn sàng khi thiên tai tới.
Để có hiệu quả, các hệ thống cảnh báo sớm có sự tham gia của cộng đồng và hướng tới cộng đồng. Đó là lý do việc thông tin, tuyên truyền về giảm thiểu rủi ro thiên tai phải đi vào hệ thống giáo dục công nhằm nâng cao nhận thức về rủi ro, phổ biến các thông điệp, cảnh báo hiệu quả và đảm bảo có sự chuẩn bị liên tục.
Các hệ thống cảnh báo sớm bao gồm hệ thống giám sát, dự báo thời tiết khí hậu; hệ thống đánh giá rủi ro thiên tai; hoạt động truyền thông và chuẩn bị sẵn sàng cho các cá nhân, cộng đồng, chính phủ, doanh nghiệp và những người khác tiến hành kịp thời để giảm rủi ro thiên tai trước các sự kiện nguy hiểm.
Hệ thống cảnh báo sớm cần có sự tham gia của cộng đồng, nhà quản lý, cơ quan dự báo thời tiết, hệ thống phương tiện truyền thông, cơ quan chức năng ứng phó khẩn cấp, cơ sở y tế và kế hoạch khôi phục. Bằng cách đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa tất cả các bên liên quan, chúng có hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn so với các hệ thống độc lập, độc hại.
* Ứng phó thông minh với khí hậu
Không khí khô và bụi bẩn và sức nóng quá mạnh. Hạn hán đã trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn trong những năm qua. Nếu bạn là nông dân, bạn nên đợi mưa hay chuyển sang canh tác một loại cây trồng khác hoặc bán số gia súc quý giá của mình trước khi chúng chết?
Đó là những câu hỏi mà người nông dân hiện nay phải đặt ra khi biến đổi khí hậu đã hiện hữu ở mọi nơi. Và ở các ngành khác như công nghiệp, giao thông… cũng cần có những ứng xử thông minh với thay đổi khí hậu. Muốn tìm ra được định hướng đúng đắn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cần dựa vào thông tin dịch vụ khí tượng thủy văn.
Theo WMO, nông nghiệp là một trong những ngành nhạy cảm với khí hậu nhất. Hạn hán, lũ lụt, bão lớn đã ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người. Các dịch vụ khí hậu là thành phần quan trọng của hệ thống cảnh báo sớm để giảm thiểu tác hại từ thiên tai như đói nghèo, bệnh tật, ô nhiễm. Hơn thế nữa, từ các thông tin khí hậu, người nông dân biết cách điều chỉnh mùa vụ, thay đổi cơ cấu cây trồng, điều chỉnh lượng tưới tiêu… Thông tin khí hậu là cơ sở cho việc quyết định thành bại của mùa màng.
Để làm được như vậy, chúng ta cần dữ liệu về tất cả các nguồn nước, về số lượng và chất lượng, mức độ biến đổi của chúng, và chúng sẽ phát triển như thế nào trong tương lai gần
Để hỗ trợ các quốc gia có được hệ thống dữ liệu thông tin khí hậu đủ mạnh nhằm đưa ra các cảnh báo sớm kịp thời, xác đáng, WMO đang giúp các Thành viên theo dõi khí hậu Trái Đất trên quy mô toàn cầu để có được thông tin đáng tin cậy để hỗ trợ việc ra quyết định dựa trên bằng chứng về cách thích nghi tốt nhất với khí hậu thay đổi và quản lý rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu và cực đoan.
Thông tin khí hậu còn cần thiết để theo dõi sự thành công của các nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính góp phần thay đổi khí hậu cũng như thúc đẩy các nỗ lực để tăng hiệu suất năng lượng và chuyển đổi sang nền kinh tế trung lập cácbon.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn