Bộ TN&MT triển khai Chiến lược phát triển khí tượng thủy văn
Bộ TN&MT vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với 5 giải pháp quan trọng về chính sách pháp luật; hiện đại hóa hệ thống quan trắc, thông tin; phát triển nguồn nhân lực; thông tin truyền thông và hợp tác quốc tế.
Để hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, tăng cường quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn, Bộ TN&MT tập trung ưu tiên rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định pháp luật về khí tượng thủy văn; xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khí 2 tượng thủy văn; hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan đến hoạt động khí tượng thủy văn. Bộ TN&MT tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn trên cơ sở củng cố tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp và rõ chức năng, nhiệm vụ; xác định rõ vai trò, trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác khí tượng thủy văn. Việc hiện đại hóa hệ thống quan trắc, thông tin dữ liệu, nâng cao năng lực công nghệ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng chất lượng dự báo. Theo đó, Bộ TN&MT tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn đảm bảo sự lồng ghép tối đa giữa các mạng lưới quan trắc thuộc ngành Tài nguyên và Môi trường, lấy mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn làm nòng cốt trong tổng thể mạng lưới trạm quan trắc tài nguyên môi trường quốc gia; từng bước hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo hướng tự động hóa. Về hệ thống thông tin, Bộ TN&MT thực hiện hoàn thiện hệ thống tích hợp dữ liệu tập trung; thực hiện các hoạt động chuyển đổi số lĩnh vực khí tượng thủy văn, hiện đại hóa công tác thu nhận dữ liệu khí tượng thủy văn; Tăng cường dự báo dài hạn về khí tượng, thủy văn, hải văn, nguồn nước, nhất là với các sông xuyên biên giới; xây dựng hệ thống hỗ trợ dự báo khí tượng thông minh; hệ thống dự báo tác động; đánh giá tổng thể và phân vùng chi tiết rủi ro thiên tai khí tượng, thủy văn, hải văn; đánh giá và cập nhật tài nguyên khí hậu, tài nguyên nước, xây dựng hệ thống giám sát và cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực cho các khu vực vùng núi, trung du, chi tiết tới cấp huyện, xã và đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.
Cùng với đầu tư hiện đại hóa, ngành khí tượng thủy văn tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, viễn thám và các công nghệ hiện đại khác trong công tác khí tượng thủy văn; triển khai các đề án, dự án, chương trình khoa học công nghệ trọng điểm. Nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, Bộ TN&MT tiếp tục triển khai xây dựng và hoàn thiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác khí tượng thủy văn phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về cải cách chính sách tiền lương; tăng cường đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực khí tượng thủy văn; xây dựng đề án vị trí việc làm phù hợp và bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác khí tượng thủy văn. Để giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng dân cư, giúp người dân hiểu về thiên tai để chủ động phòng chống, ngành khí tượng thủy văn tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức cộng đồng về khí tượng thủy văn Đồng thời hoàn thiện các chương trình, tài liệu tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức cộng đồng về khí tượng thủy văn; xây dựng hệ thống truyền thông tác động của thiên tai, rủi ro thiên tai khí tượng thủy văn đối với các hoạt động kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh. Tăng cường hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế, nhất là trong dự báo, cảnh báo, chia sẻ thông tin, dữ liệu và thực hiện các cam kết quốc tế về khí tượng thủy văn; nâng cao năng lực của Ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam là một mục tiêu quan trọng. Bộ TN&MT tiếp tục xây dựng kế hoạch cử chuyên gia, đại diện của Việt Nam tham gia vào các cơ quan, diễn đàn điều hành của Tổ chức Khí tượng Thế giới và các tổ chức quốc tế khác về khí tượng thủy văn.