Tham dự cuộc họp có các thành viên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định là đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Nội vụ, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Quốc phòng, Tài chính và các đơn vị trực thuộc Bộ.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, Luật Đo đạc và bản đồ được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5, ngày 14/6/2018 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019. Trong Luật, Quốc hội đã giao Chính phủ quy định chi tiết 13 nhóm nội dung tại một số điều, khoản. Cụ thể, Điều 12: Hệ thống số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia; Điều 14: Dữ liệu ảnh viễn thám; Khoản 13 Điều 16: Cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia; Điều 36: Xây dựng, vận hành, bảo trì công trình hạ tầng đo đạc; Điều 38: Bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc; Điều 41: Lưu trữ, bảo mật, cung cấp, trao đổi, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; Điều 44: Xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; Khoản 1 Điều 51: Danh mục hoạt động đo đạc và bản đồ phải có giấy phép; Khoản 8 Điều 51: Thời hạn, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, bổ sung, cấp lại, cấp đổi, thu hồi giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ; Điểm c khoản 1 Điều 52: Số lượng nhân viên kỹ thuật được đào tạo về đo đạc và bản đồ của tổ chức đề nghị cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ; Khoản 9 Điều 53: Danh mục hành nghề đo đạc và bản đồ; sát hạch kinh nghiệm nghề nghiệp và kiến thức pháp luật; thời hạn, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, cấp lại, cấp đổi, thu hồi chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ; Khoản 3, Điều 54: Nội dung, thời điểm đăng tải thông tin về tổ chức được cấp phép hoạt động đo đạc và bản đồ, cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ; Điểm p khoản 2, điểm g khoản 3, điểm d khoản 4 Điều 57 và điểm h khoản 1 Điều 58: Báo cáo về hoạt động đo đạc và bản đồ.
Để Luật Đo đạc và bản đồ nhanh chóng đi vào cuộc sống, Bộ Tài nguyên và Môi trường với trách nhiệm là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật đã dự thảo một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt là dự thảo 02 Nghị định: Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ và Nghị định quy định về dữ liệu ảnh viễn thám (quy định chi tiết Điều 14).
Đến nay, Bộ đã hoàn thiện dự thảo Nghị đinh quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định đảm bảo tiến độ và chất lượng trình Chính phủ ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức cuộc họp này nhằm lấy ý kiến góp ý của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập cho Nghị định.
“Tôi mong rằng, tại cuộc họp sẽ có nhiều ý kiến đóng góp bổ ích để Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Nghị định, gửi lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi trình Chính phủ ban hành.” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa nói.
Trình bày nội dung dự thảo Nghị định, ông Phan Đức Hiếu, Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết, dự thảo Nghị định gồm 9 chương, thể hiện trong 55 điều. Ông Phan Đức Hiếu cũng đề cập tới 09 điểm mới sẽ được quy định cụ thể trong dự thảo Nghị định đó là: Chu kỳ cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia (Điều 11); Tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành, bảo trì, khai thác công trình hạ tầng đo đạc (Điều 14); Hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc (Điều 15); Di dời, hủy bỏ công trình hạ tầng đo đạc (Điều 17); Xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch triển khai thực hiện hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia (Điều 23); Chỉ đạo, điều phối việc xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia (Điều 24); Xây dựng, tích hợp dữ liệu không gian địa lý (Điều 27); Xây dựng, vận hành Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam (Điều 28); Cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ.
Tại cuộc họp, đã có 14 ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập góp ý đối với dự thảo Nghị định. Các ý kiến tập trung vào các vấn đề: bổ sung, giải thích thêm các từ ngữ chuyên ngành trong dự thảo Nghị định; đầu tư công trình hạ tầng đo đạc; xây dựng, vận hành, bảo trì, bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc; lưu trữ, bảo mật, cung cấp, trao đổi, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia; cấp giấy phép hoạt động, cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ…
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cảm ơn các ý kiến góp ý rất tâm huyết và thiết thực của các đại biểu dự họp, đồng thời đề nghị Tổ biên tập tiếp thu đầy đủ các ý kiến để tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị định, sớm trình các cấp có thẩm quyền xem xét và ban hành.
Khẳng định Luật Đo đạc và bản đồ là luật chuyên ngành, mang tính đặc thù, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa mong muốn các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập thường xuyên trao đổi, tổ chức các cuộc họp kỹ thuật theo nhóm vấn đề để qua mỗi cuộc họp sẽ đi đến sự thống nhất về nội dung.
Thứ trưởng đề nghị Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật theo đúng tiến độ để sớm đưa Luật Đo đạc và bản đồ đi vào cuộc sống.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn