Nội dung trọng tâm của Luật Đo đạc và bản đồ

Luật Đo đạc và bản đồ được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 14/6/2018. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019. Luật Đo đạc và bản đồ là khung pháp lý quan trọng thúc đẩy ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới, đáp ứng các yêu cầu được kỳ vọng trong việc ứng dụng các thành tựu vĩ đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.

Sự cần thiết ban hành Luật

Hoạt động đo đạc và bản đồ là hoạt động điều tra cơ bản, đặc biệt quan trọng, làm nền tảng để triển khai các nghiên cứu khoa học về Trái Đất, cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; phục vụ quy hoạch, quản lý lãnh thổ, giám sát tài nguyên, môi trường; phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn; góp phần bảo vệ và khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, góp phần nâng cao dân trí. Các sản phẩm đo đạc, bản đồ và dữ liệu thông tin địa lý được sử dụng rộng rãi trong hoạt động hàng ngày của đời sống xã hội.

Công tác đo đạc và bản đồ ở Việt Nam có truyền thống lịch sử lâu đời. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, cùng với sự đổi mới của đất nước, công tác đo đạc và bản đồ đã bắt đầu thực hiện quá trình đổi mới mạnh mẽ công nghệ thu nhận và xử lý dữ liệu với việc ứng dụng công nghệ định vị vệ tinh GNSS, công nghệ đo vẽ bản đồ số, công nghệ thu nhận và xử lý ảnh viễn thám để thành lập hệ thống bản đồ địa hình quốc gia phủ trùm cả nước, từng bước đáp ứng nhiệm vụ quản lý của các bộ, ngành, địa phương và nhu cầu của xã hội.

Tuy nhiên, qua tổng kết thực tiễn, công tác quản lý nhà nước và tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ trong thời gian vừa qua còn một số tồn tại như: Thiếu sự thống nhất, đồng bộ trong quản lý và triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ; việc phân cấp giữa Trung ương và địa phương chưa phù hợp; còn chồng chéo, lãng phí trong hoạt động đo đạc và bản đồ; việc quản lý, cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ còn bất cập; cơ chế chính sách về hoạt động đo đạc bản đồ chưa đổi mới, chưa theo kịp với thành tựu của khoa học công nghệ hiện nay, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; chưa có cơ chế rõ ràng để thúc đẩy chính sách xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ... Những hạn chế trên đây do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là chưa có sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về đo đạc và bản đồ.

Hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng dựa trên các công nghệ nền tảng về dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, robot thông minh, Internet kết nối vạn vật, hình thành trào lưu mới mới trên thế giới trong xây dựng và phát triển đô thị thông minh, chính phủ thông minh, dân tộc thông minh dựa trên một trong những nền tảng quan trọng là thu thập và xử lý thông minh hệ thống dữ liệu không gian địa lý.

Trong bối cảnh như vậy, việc xây dựng một đạo luật để quản lý thống nhất, có hiệu quả về đo đạc và bản đồ, thúc đẩy phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia (NSDI) là yêu cầu cấp bách và xuất phát từ thực tiễn khách quan.

Quan điểm chỉ đạo, nguyên tắc xây dựng luật

Trên quan điểm chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, không tạo ra sự chồng chéo, mâu thuẫn với các luật đã ban hành và tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm chủ quyền quốc gia, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, Luật  Đo đạc và bản đồ được xây dựng trên các nguyên tắc xuyên suốt sau đây:

Thứ nhất, Nhà nước thống nhất quản lý các hoạt động đo đạc và bản đồ, quy định hành lang pháp lý, chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật đo đạc và bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ quốc gia đồng bộ, hiện đại nhằm đảm bảo cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ đầy đủ, chính xác, kịp thời, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên, môi trường, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao dân trí, làm nền tảng để phát triển Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia.

Thứ hai, đo đạc và bản đồ cơ bản là hoạt động điều tra cơ bản làm nền tảng sử dụng chung, phục vụ phúc lợi công cộng phải được Nhà nước quản lý, đầu tư và tổ chức triển khai thực hiện. Đầu tư cho đo đạc và bản đồ cơ bản là đầu tư cho phát triển và bảo vệ đất nước, cần phải đi trước một bước. Thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ cơ bản là nền tảng để phát triển các sản phẩm đo đạc và bản đồ chuyên ngành.

 Thứ ba, huy động nguồn lực xã hội phát triển kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho sản xuất và phát triển các ứng dụng thông tin địa lý phục vụ nâng cao dân trí, tiến bộ xã hội; sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ vào hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh và các nhu cầu của đời sống.

Và thứ tư là tăng cường hội nhập quốc tế về đo đạc và bản đồ.

Luật Đo đạc và bản đồ với nhiều điểm mới, mang tính đột phá về thể chế chính sách

Luật Đo đạc và Bản đồ gồm 61 điều thể hiện trong 9 chương. Luật đã được xây dựng với nhiều điểm mới, mang tính đột phá về thể chế chính sách trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

Thứ nhất, đảm bảo thống nhất về đo đạc và bản đồ trong phạm vi cả nước, tránh chồng chéo trong công tác quản lý và triển khai thực hiện các nhiệm vụ về đo đạc và bản đồ từ Trung ương đến địa phương và giữa các bộ, ngành;

Thứ hai, lần đầu tiên việc xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia được luật định.

Thứ ba, tăng cường phân cấp trách nhiệm quản lý và tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ cho UBND cấp tỉnh, tạo tính chủ động và phát huy nguồn lực của địa phương;

Thứ tư, đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy nguồn lực của xã hội tham gia vào các hoạt động đo đạc và bản đồ;

Thứ năm, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiến tiến, hiện đại trong thu nhận và xử lý thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, góp phần thúc đẩy việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật dựa trên cơ sở dữ liệu không gian địa lý;

Thứ sáu, xác lập tính hợp pháp của các cá nhân hành nghề độc lập về đo đạc và bản đồ, đảm bảo quyền và trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ;

Thứ bảy, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận, sử dụng rộng rãi thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ;

Thứ tám, chuẩn hóa và làm chính xác, thống nhất một số khái niệm, thuật ngữ chuyên môn, phù hợp với sự phát triển của công nghệ, làm cơ sở thống nhất việc sử dụng các thuật ngữ trong các văn bản quy phạm pháp luật đã và sẽ ban hành.

 

 

Nội dung chính của Luật Đo đạc và bản đồ

Chương I. Những quy định chung (gồm 9 điều). Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc cơ bản và chính sách của Nhà nước đối với đo đạc và bản đồ; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đo đạc và bản đồ; hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế về đo đạc và bản đồ; tài chính cho hoạt động đo đạc và bản đồ.

Chương II. Hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản (gồm 12 điều). Chương này quy định về nội dung hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; Hệ thống số liệu gốc đo đạc quốc gia, hệ tọa độ quốc gia, hệ độ cao quốc gia và hệ trọng lực quốc gia; hệ thống số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia; dữ liệu ảnh hàng không; dữ liệu ảnh viễn thám; cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia; xây dựng, vận hành, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và thành lập, cập nhật hệ thống bản đồ địa hình quốc gia; đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia; thể hiện biên giới quốc gia, chủ quyền lãnh thổ; đo đạc và bản đồ về địa giới hành chính; yêu cầu, nguyên tắc và các trường hợp chuẩn hóa địa danh; trách nhiệm chuẩn hóa địa danh, sử dụng địa danh đã được chuẩn hóa.

Chương III. Hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành (gồm 10 điều). Chương này quy định về nội dung hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành; hệ thống số liệu các mạng lưới đo đạc cơ sở chuyên ngành; đo đạc và bản đồ quốc phòng; đo đạc, thành lập bản đồ địa chính; thành lập bản đồ hành chính; đo đạc, thành lập hải đồ; đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm; đo đạc, thành lập bản đồ hàng không dân dụng; đo đạc, thành lập bản đồ phục vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thành lập tập bản đồ; đo đạc, thành lập các loại bản đồ chuyên ngành khác.

Chương IVChất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ (gồm 03 điều). Chương này quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động đo đạc và bản đồ; kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo sử dụng trong hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ.

Chương VCông trình hạ tầng đo đạc (gồm 04 điều). Chương này quy định về các loại công trình hạ tầng đo đạc; xây dựng, vận hành, bảo trì công trình hạ tầng đo đạc; sử dụng mốc đo đạc; bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc.

Chương VIThông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia (gồm 12 điều). Chương này quy định về:  Hệ thống thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; Cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ; lưu trữ, bảo mật, cung cấp, trao đổi, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; quyền sở hữu trí tuệ đối với thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; quy định chung về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia;  xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; dữ liệu không gian địa lý quốc gia; dịch vụ về dữ liệu không gian địa lý quốc gia; sử dụng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam; yêu cầu đối với xuất bản bản đồ; hoạt động xuất bản bản đồ.

Chương VIIĐiều kiện kinh doanh dịch vụ; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động đo đạc và bản đồ (gồm 05 điều). Chương này quy định về giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ; điều kiện cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ; chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ; thông tin về tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ; quyền và nghĩa vụ của tổ chức hoạt động đo đạc và bản đồ; quyền và nghĩa vụ của cá nhân hành nghề độc lập về đo đạc và bản đồ.

Chương VIIIQuản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ (gồm 06 điu). Chương này quy định về nội dung và trách nhiệm quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ bao gồm trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp; thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ.

Chương IX. Điều khoản thi hành (gồm 2 điều).

 

 

Nguồn tin: CTTĐT Bô TN&MT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
hc.jpg kt.jpg 2.jpg 3.jpg
 
thong diep phong covid 2023

Bien Dong
bao chi

tham van DTM

HOC TAP LAM THEO

THONG TIN TUYEN TRUYEN

tthc tnmt

phan anh kien nghi

THIEN TAI

LICH TIEP CONG DAN

BANG GIA DAT

CONG THONG TIN

TCVN ISO 9001 2015
 
TIEP CAN THONG TIN
 
thu thap du lieu 2023
 
congpd
Liên kết site

 

Online
  • Đang truy cập185
  • Hôm nay37,007
  • Tháng hiện tại144,677
  • Tổng lượt truy cập26,389,997
Văn bản pháp luật mới cập nhật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây