Tại họp báo thường kỳ của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 14/10, ông Lê Quốc Hưng, Phó Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia đã thông tin đến các cơ quan thông tấn, báo chí về tình hình triển khai thực hiện Chiến lược.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược; thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc thực hiện Chiến lược. Bộ cũng đã gửi Công văn số 1413/BTNMT-VTQG ngày 27/03/2019 tới các Bộ, ngành, địa phương đề nghị xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược viễn thám và cử cơ quan đầu mối thực hiện công tác quản lý nhà nước về viễn thám. Cho đến nay, 45 đơn vị gửi Kế hoạch thực hiện Chiến lược gồm 06 Bộ (05 Bộ cử cơ quan đầu mối) trong đó Bộ Quốc phòng đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược; 39 tỉnh, thành phố đã cử đầu mối thực hiện, trong đó có 17 tỉnh đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược.
Ông Lê Quốc Hưng cho biết, Cục Viễn thám quốc gia đã và đang tích cực hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chiến lược của các Bộ, ngành, địa phương mình.
Về việc thực hiện các đề án thuộc kế hoạch của Chiến lược, Cục Viễn thám quốc gia đã đề xuất nhiệm vụ thực hiện “Đề án giám sát tài nguyên và môi trường bằng công nghệ viễn thám” gửi xin ý kiến các đơn vị trực thuộc Bộ.
Đồng thời, trong kế hoạch năm 2020, Cục Viễn thám quốc gia đang xây dựng các đề án, chương trình gồm: Đề án “Tăng cường năng lực quản lý viễn thám”; Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh”; Chương trình “Hợp tác quốc tế trong việc xây dựng và khai thác hạ tầng thu nhận, xử lý dữ liệu viễn thám, chia sẽ dữ liệu viễn thám với các nước trong khu vực và trên thế giới”.
Chiến lược phát triển lĩnh vực viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 01/02/2019. Chiến lược quán triệt 03 quan điểm chung, cơ bản, xuyên suốt, đó là: (i) Phát triển viễn thám với thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại; có trọng tâm, trọng điểm phù hợp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; (ii) Nhà nước tập trung đầu tư hệ thống thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám, cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia, phát triển công nghệ viễn thám, quan trắc và giám sát bằng viễn thám trong một số lĩnh vực; khuyến khích, huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội trong phát triển ứng dụng viễn thám; (iii) Thông tin, dữ liệu, sản phẩm viễn thám phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và được chia sẻ, sử dụng có hiệu quả trong các ngành, lĩnh vực.
Chiến lược xác định các mục tiêu cụ thể tương ứng với từng giai đoạn: từ nay đến 2030 và từ năm 2031 đến 2040. Theo đó, giai đoạn từ nay đến năm 2030, sẽ làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh viễn thám, hệ thống trạm thu nhận, xử lý dữ liệu viễn thám, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám, hệ thống chụp ảnh bề mặt Trái đất từ các thiết bị bay không người lái, khinh khí cầu; xây dựng hệ thống trạm thu, hệ thống xử lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh; ứng dụng rộng rãi công nghệ viễn thám, sử dụng sản phẩm, dữ liệu viễn thám trong các ngành, lĩnh vực, trọng tâm là điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về viễn thám; đào tạo được nguồn nhân lực viễn thám có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được nhu cầu quản lý, ứng dụng và phát triển công nghệ viễn thám.
Đến năm 2040, sẽ chủ động công nghệ chế tạo và hoàn thành việc xây dựng chùm vệ tinh viễn thám, hệ thống trạm thu nhận, xử lý dữ liệu viễn thám, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám, hệ thống chụp ảnh bề mặt Trái đất từ các thiết bị bay không người lái, khinh khí cầu đồng bộ, hiện đại, cung cấp đầy đủ dữ liệu viễn thám đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh; đưa trình độ ứng dụng công nghệ viễn thám của Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực, các nước đang phát triển trên thế giới.
Chiến lược cũng đề ra 06 nhóm nhiệm vụ và giải pháp gồm: (i) Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về viễn thám. Đến năm 2020, hoàn thiện danh mục dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực viễn thám và cơ chế thu nhận, chia sẻ thông tin, dữ liệu viễn thám; (ii) Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về viễn thám, trong đó tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý nhà nước về viễn thám; (iii) Xây dựng và phát triển hệ thống thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám; (iv) Xây dựng cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia; (v) Đẩy mạnh sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm viễn thám; (vi) Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.
Để thực hiện các nhiệm vụ Chiến lược, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, ngành và địa phương, đề xuất cần thiết thực hiện các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực viễn thám. Các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ được phân công cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện trên phạm vi cả nước.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn