Ông Nguyễn Quốc Khánh – Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia cho biết: Việc Ban hành Nghị định 03/2019/NĐ-CP về hoạt động viễn thám và Quyết định 149/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 (gọi tắt là Chiến lược viễn thám) là cơ sở pháp lý cần thiết cho công tác quản lý và định hướng các hoạt động ứng dụng viễn thám tại các bộ, ngành, đặc biệt các địa phương.
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh và có sự kết nối giữa Trung ương và địa phương, các địa phương sẽ cùng Trung ương tham gia vào các Đề án, Chương trình nghiên cứu khoa học thuộc Chiến lược.
Các đơn vị nhà nước ở địa phương ứng dụng công nghệ viễn thám vẫn còn rất hạn chế chủ yếu là phục vụ công tác quản lý đất đai, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế… Các ứng dụng khác thì rất hạn chế và hầu như là chưa được ứng dụng phổ biến.
Theo ông Trần Tuấn Ngọc – Phó Cục trưởng Cục Viễn thám Quốc gia, thực trạng này xuất phát từ việc ở địa phương, năng lực khai thác sử dụng tư liệu viễn thám còn rất hạn chế. Công nghệ viễn thám vốn đòi hỏi những người sử dụng phải có năng lực, trình độ chuyên môn nhất định nên với việc chuyển giao và phổ biến công nghệ viễn thám còn rất hạn chế như hiện nay thì tình trạng này còn tiếp tục kéo dài.
Mặt khác, ứng dụng công nghệ viễn thám vẫn chưa được các lãnh đạo địa phương thực sự quan tâm nên cần phải có biện pháp thuyết phục và quảng bá công nghệ viễn thám hơn nữa trong thời gian tới. Đặc biệt là việc thuyết phục địa phương về tính chính xác của các thông tin chiết tách từ tư liệu ảnh viễn thám và sử dụng nó trong các hoạt động quản lý tại địa phương.
Hiện nay một số địa phương có điều kiện đã đẩy mạnh ứng dụng viễn thám như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai… một số tỉnh đã bước đầu ứng dụng viễn thám trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường như kiểm kê đất đai, quản lý rừng, theo dõi quản lý quy hoạch, giao thông…. Tuy nhiên số lượng các đề án, dự án, nhiệm vụ ứng dụng viễn thám ở các địa phương còn hạn chế. Ở một số địa phương, nếu có cũng chỉ dừng ở các đề tài nghiên cứu, ứng dụng nhỏ phục vụ nghiên cứu và giảng dạy, hoặc lồng ghép một phần nhỏ ở một số dự án của lĩnh vực khác.
Vẫn theo ông Trần Tuấn Ngọc, về cơ cấu tổ chức quản lý viễn thám hiện nay, hầu hết các Sở Tài nguyên và Môi trường có tổ chức Phòng Đo đạc, Bản đồ và Viễn thám, nhưng cán bộ có chuyên môn về viễn thám gần như chưa có. Đội ngũ cán bộ chuyên môn có hiểu biết về viễn thám ở địa phương rất ít, không có năng lực đề xuất nhiệm vụ ứng dụng viễn thám. Có một vài doanh nghiệp hoạt động ở địa phương cung cấp các dịch vụ về viễn thám hoặc triển khai các nhiệm vụ ứng dụng viễn thám nhưng số lượng hạn chế, chưa có đóng góp và tạo động lực phát triển ngành.
Căn cứ theo Chiến lược viễn thám đã được phê duyệt, các địa phương sẽ xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược của địa phương mình được quy định tại Mục 3, Điều 2. Đến nay đã có 39 Tỉnh đã cử đầu mối thực hiện công tác quản lý về viễn thám tại địa phương. Bộ Quốc phòng và 19 tỉnh (Bắc Giang, Bắc Cạn, Bắc Ninh, Cao bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, An Giang, Bình Định, Cà Mau, Đắc Lắk, Hậu Giang, Kon Tum, Sóc Trăng, Tiền Giang, Vĩnh Long, Tây Ninh) đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển viễn thám.
Hiện nay Cục Viễn thám quốc gia đang xây dựng Đề án Giám sát tài nguyên và môi trường bằng công nghệ viễn thám trong đó sẽ chú trọng việc chuyển giao công nghệ và sản phẩm cho các địa chỉ cụ thể ở địa phương, một số nhiệm vụ cụ thể sẽ phối hợp với các địa phương để thực hiện qua đó góp phần tăng cường năng lực, đào tạo đội ngũ chuyên môn cho địa phương.
Hiện tai, Cục Viễn thám quốc gia cũng đang xây dựng sửa đổi quy định về cung cấp dữ liệu viễn thám, theo đó sẽ đẩy mạnh việc phổ biến dữ liệu viễn thám cho địa phương với giá thành rẻ, mở rộng thêm một số đối tượng được cung cấp miễn phí. Cục sẽ hỗ trợ tư vấn trong ứng dụng viễn thám ở các địa phương.
Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường về định hướng vấn đề này trong thời gian tới đây, Cục trưởng Nguyễn Quốc Khánh cho biết, Cục Viễn thám quốc gia sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quảng bá công nghệ viễn thám, giới thiệu về công nghệ viễn thám tại các địa phương; Xây dựng hoàn thiện mạng lưới trạm thu dữ liệu viễn thám, hệ thống lưu trữ, xử lý dữ liệu viễn thám để cung cấp dữ liệu cho các bộ, ngành, địa phương; Đẩy mạnh xã hội hóa việc ứng dụng công nghệ viễn thám. Cùng với đó, sẽ tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu, sản phẩm viễn thám giữa các cơ quan quản lý dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng dữ liệu viễn thám.
Trong Quyết định 149/QĐ-TTg cũng nêu rõ việc huy động nguồn vốn để thực hiện Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 bao gồm các nguồn ngân sách nhà nước cấp theo các quy định hiện hành (Lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu, các chương trình, dự án khác; Nguồn vốn ODA); Các nguồn vốn huy động khác. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư viễn thám trong đó Ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư cho phát triển công nghệ và hạ tầng kỹ thuật, sản phẩm viễn thám và Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào các hoạt động viễn thám theo quy định của pháp luật.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn