Luật Đo đạc và bản đồ được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2018 quy định cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia phải được cập nhật, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời đáp ứng kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của các bộ, ngành địa phương để điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Trong giai đoạn hiện nay với tốc độ đột phá của Cách mạng Công nghiệp 4.0 với nền tảng diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm Công nghệ sinh học, Công nghệ thông tin và vật lý với các yếu tố cốt lõi: trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), robot thế hệ mới, xe tự lái, các vật liệu mới, đòi hỏi yêu cầu cao hơn đối với dữ liệu nền địa lý về độ chính xác, độ tin cậy và tính kịp thời.
Quá trình đô thị hóa và sự hội nhập của các công nghệ thông minh, cùng với các mô hình quản trị hiệu quả dẫn tới xu hướng xây dựng các thành phố thông minh với nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin dựa trên dữ liệu nền địa lý tích hợp với các dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau phục vụ kịp thời các dịch vụ của công dân, quản lý tốt việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững các nguồn lực.
Sản phẩm đo đạc và bản đồ chủ yếu là thông tin, cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia cần thiết cho nhiều đối tượng khác nhau, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Theo thống kê của Tạp chí Kinh tế của Anh, 80% thông tin dữ liệu số, có liên quan đến thông tin dữ liệu về vị trí. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, nêu rõ quan điểm của Đảng là đầu tư cho công nghệ thông tin là đầu tư cho phát triển và bảo vệ đất nước. Tăng cường kết nối, tích hợp, trao đổi thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan Đảng và Nhà nước; đặc biệt là cung cấp dữ liệu không gian địa lý phục vụ Chính phủ điện tử… Ngày 28 tháng 8 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1072/QĐ-TTg thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử thúc đẩy xây dựng, phát triển, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.
Để phục vụ cho Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng quy hoạch, quyết định hợp lý về đầu tư, tăng cường cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước, quản lý các ngành và các địa phương, tạo điều kiện để hội nhập với kinh tế quốc tế, việc xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia là cấp thiết, trong đó có cơ sở dữ nền địa lý quốc gia.
Tại Điều 15 Luật Đo đạc và bản đồ quy định cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia từ tỷ lệ 1:2.000 đến tỷ lệ 1:1.000.000. Trong đó, cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000 và 1.5.000 được thành lập cho khu vực đô thị, khu vực phát triển đô thị, khu chức năng đặc thù, khu vực cần lập quy hoạch phân khu và quy hoạch nông thôn; cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:10.000 và các tỷ lệ nhỏ hơn được thành lập phủ kín đất liền Việt Nam. Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ trung bình được thành lập phủ kín nội thủy, lãnh hải. Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ nhỏ được thành lập phủ kín vùng biển Việt Nam.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã sớm quan tâm và đầu tư cho công tác xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý với việc phê duyệt hai dự án xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý thực hiện trong giai đoạn từ năm 2008 đến hết năm 2012: Dự án “Thành lập cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý ở tỷ lệ 1:10.000 gắn với mô hình số độ cao phủ trùm cả nước” và Dự án “Thành lập cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý ở tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 các khu vực đô thị, khu vực công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm”, kịp thời cung cấp dữ liệu thông tin địa lý đầy đủ các tỷ lệ phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, yêu cầu của quản lý nhà nước về lãnh thổ, đất đai, tài nguyên thiên nhiên và môi trường và đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Chính phủ đã phê duyệt và triển khai Đề án “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” trong đó có các nhiệm vụ đo đạc thành lập bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:50.000 được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2017 phục vụ phát triển kinh tế biển, đảm bảo quốc phòng an ninh.
Tuy nhiên, đến nay hệ thống bản đồ địa hình quốc gia và cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia được thành lập trong các giai đoạn khác nhau, không được cập nhật và chưa đồng bộ:
Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 đối với các khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm và cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:10.000 phủ trùm cả nước được thành lập trong giai đoạn 2008-2012. Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia phủ trùm cả nước ở tỷ lệ 1:50.000 được xây dựng bằng phương pháp tổng quát hóa sản phẩm cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1:10.000 trong giai đoạn 2013-2015. Cơ sở dữ liệu nền địa lý nền địa lý quốc gia ở tỷ lệ 1:100.000 và các tỷ lệ nhỏ hơn hiện nay chưa được xây dựng.
Hệ thống bản đồ địa hình quốc gia ở tỷ lệ 1:25.000 và các tỷ lệ nhỏ hơn được thành lập phần lớn trong giai đoạn năm 2007-2012.
Hệ thống bản đồ địa hình đáy biển ở tỷ lệ 1:5.000 được thành lập ở một số đảo, cụm đảo trong giai đoạn 2013-2017. Bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:10.000 được thành lập tại các khu vực cửa sông, cảng biển được thành lập trong giai đoạn 2007-2011. Bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:50.000 được thành lập trong giai đoạn 2007-2017, chưa phủ kín vùng nội thủy và lãnh hải Việt Nam. Chưa thành lập bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:25.000, 1:100.000 và các tỷ lệ nhỏ hơn. Chưa xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tại vùng biển Việt Nam.
Hệ thống cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia được xây dựng chủ yếu ở nhóm tỷ lệ lớn, chưa được cập nhật trong thời gian 7 năm qua. Hệ thống bản đồ địa hình quốc gia đã được thành lập đầy đủ các tỷ lệ, chưa được cập nhật trong khoảng từ 7 đến 10 năm. Nội dung bản đồ địa hình quốc gia và cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia phần lớn đã lạc hậu so với hiện tại. Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 41 của Luật Quy hoạch quy định về yêu cầu cung cấp cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia đã được chuẩn hoá và cập nhật thường xuyên làm dữ liệu khung cho hệ thống thông tin quốc gia về quy hoạch. Theo quy định tại Khoản 4 Điều 11 của Nghị định số 27/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ, chu kỳ cập nhật của cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia là không quá 5 năm.
Do vậy, việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia là hết sức cần thiết và cấp bách, đảm bảo việc cung cấp dữ liệu nền địa lý và bản đồ địa hình ở các tỷ lệ đầy đủ, chính xác đáp ứng yêu cầu quy hoạch, xây dựng, quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và các nhu cầu của xã hội.
CTTĐT: Bộ TN&MT
(http://monre.gov.vn/Pages/su-can-thiet-cua-de-an-xay-dung-va-hoan-thien-co-so-du-lieu-nen-dia-ly-quoc-gia.aspx?cm=%C4%90o%20%C4%91%E1%BA%A1c%20v%C3%A0%20b%E1%BA%A3n%20%C4%91%E1%BB%93)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn