Tham dự có đại diện lãnh đạo Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ.
Thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đo đạc và Bản đồ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì tổ chức triển khai Chiến lược phát triển, kế hoạch thực hiện hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, đồng thời thực hiện xây dựng Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam.
Để triển khai đồng thời hai nhiệm vụ trên, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã giao Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam thực hiện Dự án “Xây dựng Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Ngọc Lâm, Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết, thực hiện các nhiệm vụ được giao, Cục đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố xây dựng Dự thảo Chiến lược, trong đó đã tiến hành tổng kết toàn diện việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ đến năm 2020 (Chiến lược 33) để làm cơ sở xây dựng các nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo, đảm bảo tính kế thừa, đồng bộ và hiệu quả trong triển khai các nhiệm vụ về đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý.
Bên cạnh đó, Cục cũng đã thu thập, tổng hợp tài liệu, tổ chức điều tra, khảo sát trong nước và quốc tế, học tập kinh nghiệm của các nước có trình độ khoa học công nghệ đo đạc và bản đồ tiên tiến trên thế giới; tổ chức các cuộc hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và ngoài nước. Thông qua các hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến góp ý quý báu của các nhà khoa học, nhiều mô hình xây dựng được các tổ chức quốc tế đưa ra thảo luận, xem xét góp phần từng bước hoàn thiện dự thảo Chiến lược.
Để thực hiện nhiệm vụ soạn thảo Chiến lược, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Chiến lược. Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã tập trung, chủ động triển khai việc xây dựng hoàn thiện dự thảo Chiến lược gửi xin ý kiến góp ý của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan.
Theo ông Hoàng Ngọc Lâm, dự thảo Chiến lược được xây dựng với 5 quan điểm, đây là những quan điểm phù hợp với chính sách phát triển kinh tế xã hội nói chung và Ngành Đo đạc và bản đồ nói riêng, đã được quy định tại Luật Đo đạc và bản đồ. Cụ thể là: Phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; Ưu tiên đầu tư cho các nhiệm vụ đo đạc và bản đồ phục vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ theo hướng tiên tiến, hiện đại; Xây dựng, phát triển hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới; đào tạo phát triển nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ; Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ.
Trên cơ sở khung mục tiêu theo khuyến cáo của Liên Hợp Quốc về xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý, dự thảo Chiến lược đã đề ra các mục tiêu chia thành 2 giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2040. Các mục tiêu cơ bản đảm bảo đồng bộ để thúc đẩy sự phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Để thực hiện thành công các mục tiêu đó, Dự thảo Chiến lược cũng đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó ưu tiên việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đo đạc và bản đồ; Xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ đảm bảo đồng bộ, chính xác thuận lợi cho việc sử dụng chung; Hoàn thiện, công bố số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia; …
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các đơn vị đều cơ bản thống nhất nội dung của dự thảo Chiến lược và các tài liệu kèm theo, đồng thời thảo luận, làm rõ hơn các nội dung quy định trong Dự thảo đảm bảo tính khoa học, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đánh giá cao tinh thần chủ động, tích cực của Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam trong việc đảm bảo tiến độ công tác xây dựng Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng và tính cấp bách của việc xây dựng Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ cũng như phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý ở Việt Nam sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phục vụ cộng đồng, nâng cao dân trí, hướng tới xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, Thứ trưởng đề nghị Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam - đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo Chiến lược khẩn trương tổng hợp, giải trình, tiếp thu toàn bộ ý kiến góp ý, chỉnh sửa hoàn thiện dự thảo Chiến lược, đồng thời hoàn tất các tài liệu kèm theo để báo cáo Bộ, trình Chính phủ theo kế hoạch.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn