Ngoài ra, hàng loạt các nội dung kỹ thuật trong lĩnh vực đo đạc bản đồ đã được thực hiện, như: Hoàn thiện các phần mềm hệ thống để thực hiện cung cấp các dịch vụ thông tin địa lý trên nền tảng dữ liệu số; Tập trung xây dựng ban hành các thông tư quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:50.000, 1:100.000; danh mục địa danh dân cư, sơn văn, thủy văn, kinh tế - xã hội phục vụ công tác thành lập bản đồ thành phố Hà Nội; định mức kinh tế - kỹ thuật về thu nhận và xử lý dữ liệu ảnh số bằng tàu bay không người lái phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 và bản đồ địa hình tỷ lệ 1:500, 1:1.000.
Hai dự án hợp tác với các quốc gia láng giềng đã được xây dựng, triển khai là xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ chuẩn Việt Nam – Lào và Dự án hiện đại hóa hệ thống độ cao Vương quốc Campuchia.
Nhiệm vụ quan trọng trong quý II/2022 trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ là đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án “Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia” để cung cấp dịch vụ dữ liệu không gian địa lý cho các Bộ, ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phục vụ chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh. Ngoài ra còn hoàn thiện hiện đại hóa hệ thống độ cao quốc gia, trình phê duyệt phương án xác định ranh giới hành chính trên biển của các địa phương, hoàn thành Dự án “Hiện đại hóa hệ thống độ cao Vương quốc Campuchia” giai đoạn II vào quý II năm 2022; tổ chức bàn giao dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1:25.000 cho địa phương để khai thác, sử dụng.
Trong lĩnh vực viễn thám, Bộ TN&MT tiếp tục triển khai việc ứng dụng công nghệ viễn thám giám sát việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất; xác định dịch chuyển bờ ngầm và địa chất tầng nông đới bờ phục vụ đánh giá, dự báo xâm thực bờ biển và đề xuất một số giải pháp phòng, chống xâm thực dải ven biển Việt Nam; giám sát rác thải nhựa ven biển.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)