Đánh giá về phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhận xét: Đa số đại biểu Quốc hội đã tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng dự thảo đã được nghiêm túc chỉnh lý hoàn thiện, tiếp thu nhiều ý kiến của của các vị đại biểu Quốc hội.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, một số đại biểu cho rằng hoạt động đo đạc và bản đồ (ĐĐ&BĐ) có tính chất kỹ thuật cao nhưng có vai trò rất quan trọng đối với kinh tế -xã hội, quốc phòng và an ninh. Nguyên tắc hoạt động ĐĐ&BĐ phải đảm bảo chủ quyền quốc gia, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, đảm bảo quốc phòng và an ninh. Thông tin, dữ liệu sản phẩm ĐĐ&BĐ phải được cập nhật, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh; quản lý tài nguyên và môi trường, phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.
Một số đại biểu cũng đề nghị tiếp tục làm rõ thêm một số quy định trong hoạt động ĐĐ&BĐ cơ bản và hoạt động ĐĐ&BĐ chuyên ngành; đo đạc thành lập hải đồ, bản đồ công trình ngầm; đề nghị bổ sung bản đồ địa giới hành chính; về xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; một số nội dung về điều kiện kinh doanh dịch vụ ĐĐ&BĐ; việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép ĐĐ&BĐ; về việc khai thác và sử dụng thông tin dữ liệu ĐĐ&BĐ; trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương đối với hoạt động ĐĐ&BĐ.
Cùng với các vấn đề trên, nhiều ý kiến đã góp ý cụ thể vào bố cục, kỹ thuật từ ngữ và làm rõ thêm các khái niệm ở các chương, điều của dự thảo Luật. Đồng thời đề nghị cần phải tiếp tục rà soát để đảm bảo tính chặt chẽ, đầy đủ và khả thi.
“Ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được Ban thư ký ghi âm, ghi chép, tổng hợp đầy đủ. Sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, Ủy ban thẩm tra phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này theo quy trình” - Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói.
Trở lại với ý kiến phát biểu tại Hội trường chiều 1/6, cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày, Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh) cho biết, ông nhận thấy báo cáo đã tiếp thu đầy đủ, tối đa ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội trong kỳ họp thứ 4 và cụ thể của đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh.
Cho rằng về nội dung chung, dự thảo Luật cơ bản tập trung vào công tác quản lý nhà nước về hoạt động ĐĐ&BĐ, song còn thiếu quy định về hành lang pháp lý để thu hút nguồn lực xã hội và quốc tế trong phát triển ngành đo đạc và bản đồ. Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng đề nghị bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ĐĐ&BĐ và dữ liệu, thông tin cho phép tư nhân và tổ chức tham gia đầu tư và khai thác, vai trò của các hiệp hội hành nghề trong lĩnh vực này. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị quy định rõ hơn về hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ ĐĐ&BĐ; cơ chế đầu tư, cơ chế kinh doanh, khai thác thông tin và dữ liệu, kể cả sản phẩm đo đạc, bản đồ; về chính sách chia sẻ, bảo mật thông tin, dữ liệu và kể cả sở hữu trí tuệ.
Cũng bày tỏ sự thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Lê Quang Trí (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) đề nghị bổ sung phạm vi về “ứng phó biển đổi khí hậu”; “nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong hoạt động ĐĐ&BĐ cơ bản, ĐĐ&BĐ chuyên ngành.
Ở góc độ khác, Đại biểu Lê Minh Chuẩn (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) nhận xét: Ban soạn thảo dự án Luật đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, bộ, ban, ngành cũng như các địa phương và đã hoàn chỉnh dự án Luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 này.
Từ thực tiễn đặc thù của ngành, Đại biểu Lê Minh Chuẩn xác định công tác địa chất và trắc địa như con mắt người dẫn đường trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Hằng năm, ngành thi công hàng trăm km đường lò nằm sâu dưới lòng đất, có những dạng đứng, dạng nghiêng và dạng bằng với thiết diện khác nhau, nằm sâu dưới mực nước biển hàng trăm mét.
“Chúng tôi cho rằng rất cần thiết phải ban hành một Luật Đo đạc và bản đồ chuyên ngành. Đây là một sự thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước trong công tác ĐĐ&BĐ, bảo đảm sự thống nhất đồng bộ trong hoạt động ĐĐ&BĐ của Nhà nước và khắc phục tình trạng chồng chéo, gây lãng phí cho vấn đề phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo an ninh quốc gia” - Đại biểu Lê Minh Chuẩn nhấn mạnh.
Ngoài ra các vị đại biểu cũng quan tâm đến các nội dung khác của dự thảo Luật như về bố cục dự thảo luật; về nguyên tắc cơ bản trong hoạt động ĐĐ&BĐ; về tài chính cho hoạt động ĐĐ&BĐ; về thành lập bản đồ hành chính; về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp; về xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ…
Tiếp đến, phát biểu giải trình và làm rõ một số ý kiến mà các đại biểu quan tâm, bày tỏ sự đồng tình với 13 ý kiến của các đại biểu phát biểu trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: dự thảo lần này đã có sự cố gắng rất lớn của Ban soạn thảo; đồng thời đã có sự phối hợp, tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của cơ quan Thường trực - Ủy ban Pháp luật Quốc hội, các Hội đồng, các Ủy ban, các Hội và đặc biệt là Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
“Bộ trưởng cho biết, Ban soạn thảo cũng ghi nhận và cám ơn các vị đại biểu Quốc hội trực tiếp ở Hội trường, Tổ, cũng như qua các đợt khảo sát làm việc riêng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như của các Ủy ban và ở các địa phương. Ban soạn thảo đã tiếp thu và lắng nghe được rất nhiều ý kiến, toàn diện nhiều nội dung, quy định tại dự thảo để hôm nay có một dự thảo được các quý vị đánh giá là có thể đáp ứng được những yêu cầu. Ban soạn thảo cũng như các cơ quan đã tiếp thu được tối đa các ý kiến đóng góp và cũng đã dành cho dự thảo này những đánh giá có thể nói là rất đáng ghi nhận. 13 ý kiến lần này cũng thể hiện các đại biểu hết sức sâu sát, cụ thể.
“Góp ý không dừng lại ở chỗ câu chữ để làm sao đảm bảo luật pháp được rõ ràng, chính xác, cụ thể mà cũng góp ý cả về cấu trúc, bố cục; góp ý về nội dung xuyên suốt từ vấn đề nguyên tắc cho đến cơ sở dữ liệu, bảo mật, cơ chế tài chính, phân định quyền hạn, trách nhiệm thật rõ ràng giữa các cơ quan trung ương và địa phương. Chúng tôi cảm thấy rằng, cần phải tiếp tục nghiên cứu thật kĩ để làm sao tiếp thu tối đa để tiếp tục hoàn thiện bộ luật này” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Tiếp đến, người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường cả nước đã tập trung giải trình một số vấn đề mà các đại biểu phát biểu. Theo Bộ trưởng, ý kiến của một số đại biểu đã tập trung vào vấn đề liên quan đến phân định bản đồ địa hình, tức là liên quan đến bản đồ quốc gia, bản đồ cơ bản và bản đồ chuyên dụng. Sau khi phân tích một số yếu tố kỹ thuật, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng: cần phải có cơ chế hợp lý và sẽ được quy định trong Nghị định của Thủ tướng của Chính phủ. “Để linh hoạt thì chúng tôi cũng biết rằng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở năng lực, điều kiện, đầu tư và sự cần thiết công việc sẽ bố trí cho các bộ, các ngành như thế nào cho phù hợp” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Về vấn đề bản đồ hành chính, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: hiện nay bản đồ hành chính của chúng ta có 3 cấp đó là cấp Quốc gia, cấp Tỉnh, cấp Huyện. Trên thực tế, hành chính chúng ta có đến xã là cấp thấp nhất. Và về bản đồ địa giới hành chính, chúng ta cũng có bản đồ địa giới hành chính đến cấp xã.
Còn với các nội dung khác, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có sự chỉ đạo tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn