Tại cuộc họp, thay mặt Ban soạn thảo, Tổ Biên tập, ông Lại Hồng Thanh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã báo cáo tóm tắt quá trình xây dựng và nội dung dự thảo Nghị định.
Ông Lại Hồng Thanh cho biết, Văn phòng Chính phủ đã thống nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường về sự cần thiết xây dựng, ban hành Nghị định Quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án trên mặt nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn phát sinh trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, nhu cầu cấp bách phát triển kinh tế của các địa phương, phát huy tối đa nguồn lực phát triển đất nước.
Về các chính sách đề xuất, trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, 5 chính sách được đề xuất tại dự thảo Nghị định, gồm: (i) Xác lập cơ sở pháp lý để đầu tư các dự án phát triển trên mặt ở khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia phải phù hợp với quy định của pháp luật về khoáng sản, đầu tư, đất đai và pháp luật khác có liên quan. (ii) Thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia phải đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng khoáng sản trong từng thời kỳ, đồng thời để phát triển các dự án trên mặt, nhằm phát huy hiệu quả, tối đa các nguồn lực tài nguyên phát triển kinh tế - xã hội. (iii) Việc điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (về thời gian, diện tích dự trữ) phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư đang triển khai dự án phát triển trên mặt. (iv) Triển khai các dự án phát triển trên mặt phải đáp ứng yêu cầu, quy định trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác ở khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia có liên quan. (v) Quản lý nhà nước đối với các dự án phát triển trên mặt; quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia là trách nhiệm của các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh có liên quan.
"Việc thể chế hóa 5 chính sách này trong dự thảo Nghị định sẽ góp phần cụ thể hóa nguyên tắc, yêu cầu, điều kiện để đầu tư các dự án phát triển trên mặt ở các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Tuy nhiên, các chính sách trên có liên quan đến nhiều thủ tục, quy định về: khoáng sản, đầu tư, đất đai, xây dựng… nên cần được nghiên cứu, đánh giá kỹ để đảm bảo tính thống nhất, tránh chồng chéo” - ông Lại Hồng Thanh cho biết.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc ban hành Nghị định quy định về quản lý khoáng sản ở khu vực dự trữ để phát triển các dự án trên mặt.
"Nghị định ra đời nhằm đảm bảo quản lý khai thác, sử dụng triệt để tiết kiệm tài nguyên cho chúng ta cũng như con cháu sau này. Đồng thời đưa ra những quy định ràng buộc, nghiêm cấm lợi dụng thực hiện những dự án đầu tư trên mặt để khai thác khoáng sản trá hình dưới mọi hình thức.” - Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh.
Thứ trưởng chỉ đạo Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Nghị định đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Thứ trưởng lưu ý nên nghiên cứu, quy định rõ đối với những khu vực khoáng sản dự trữ mà phải khai thác lộ thiên thì hạn chế, thậm chí nghiêm cấm không cho triển khai các dự án bất động sản bên trên bề mặt. Trừ trường hợp đặc biệt Thủ tướng Chính phủ cho phép.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn