Theo quy định của Luật khoáng sản, để có cơ sở lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản thì tổ chức, cá nhân phải lập hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò, tiến hành thăm dò khoáng sản theo Giấy phép thăm dò khoáng sản để đánh giá, xác định trữ lượng, chất lượng khoáng sản. Trên cơ sở đó mới lập dự án đầu tư khai thác; lập báo cáo đánh giá tác động tới môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường, Phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoàn thiện hồ sơ trước khi làm thủ tục đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, đối với cấp Giấy phép khai thác vật liệu xây dựng thông thường, Luật khoáng sản cũng như các văn bản hướng dẫn Luật được hoàn thiện trong thời gian vừa qua cũng đã sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính cụ thể:
Thứ nhất, theo quy định của Luật khoáng sản, có một số trường hợp được phép khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường mà không nhất thiết phải thông qua bước lập thủ tục cấp phép thăm dò khoáng sản, cụ thể là:
Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác chỉ được sử dụng cho xây dựng công trình đó; khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó (khoản 2 Điều 64 Luật khoáng sản). Theo đó, tổ chức, cá nhân không phải làm thủ tục đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản mà chỉ thực hiện thủ tục đăng ký khối lượng, phương pháp khai thác tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình phát hiện có khoáng sản (bao gồm cả khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường) thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác quyết định việc thăm dò, khai thác trước khi dự án được phê duyệt; khu vực chưa được điều tra, đánh giá về khoáng sản mà trong quá trình xây dựng công trình phát hiện có khoáng sản thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép quyết định việc khai thác hoặc không khai thác trong phạm vi xây dựng công trình. Trong các trường hợp khi khai thác không bắt buộc phải tiến hành thăm dò khoáng sản (khoản 1, khoản 2 Điều 65 Luật khoáng sản).
Bộ Tài nguyên và Môi trườg đã ban hành Thông tư số 01/2016/TT-BTNMT ngày 13/01/2016 quy định kỹ thuật về công tác thăm dò cát, sỏi lòng sông và đất, đá làm vật liệu xây dựng san lấp, theo đó, đơn giản hóa yêu cầu về mạng lưới công trình thăm dò, phương pháp thăm dò phù hợp với loại khoáng sản này nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu công tác quản lý nhà nước về khoáng sản.
Thứ hai, bỏ yêu cầu xác nhận vốn chủ sở hữu đối với hộ kinh doanh khi thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, khai thác tận thu khoáng sản (khoản 1 Điều 26, khoản 1 Điều 36 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản)
Về thời gian giải quyết hồ sơ, quy định về thời gian giải quyết hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản trong Luật khoáng sản cũng như Nghị định số 158/NĐ-CP nêu trên là thời gian tối đa mà cơ quan có thẩm quyền được phép giải quyết thủ tục hành chính. Trong thực tế, khi giải quyết hồ sơ, nếu đủ điều kiện theo quy định thì không nhất thiết phải giải quyết đủ trong thời gian nêu trên và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể chủ động quy định thời gian giải quyết thủ tục hành chính đối với cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường ngắn hơn quy định của Luật.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn