Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về “Tổng kết 6 năm (2012-2017) thực hiện Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đề xuất các nội dung điều chỉnh, sửa đổi”, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung rà soát, xây dựng dự thảo Báo cáo và dự thảo nội dung điều chỉnh Chiến lược; đồng thời tổ chức 2 cuộc hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các Bộ: Công thương, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư; một số nhà khoa học trong và ngoài Bộ để bổ sung, hoàn thiện các dự thảo.
Ông Trần Văn Miến, Vụ trưởng Vụ Địa chất, đại diện Ban soạn thảo cho biết: qua 6 năm thực hiện Chiến lược đã đạt được một số kết quả quan trọng trong công tác điều tra cơ bản địa chất và khoáng sản; dự trữ khoáng sản; công tác thăm dò khoáng sản; quản lý hoạt động khoáng sản.
Một số kết quả quan trọng thực hiện Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 Về công tác điều tra cơ bản địa chất và khoáng sản, đã hoàn thành lập bản đồ địa chất khoáng sản tỉ lệ 1/50.000 phần đất liền gần 24.000km2; điều tra tai biến địa chất, môi trường địa chất ở nhiều diện tích thuộc khi vực miền núi Tây Bắc, Đông Bắc; hoàn thành lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:100.000 trên diện tích 35.000km2 vùng biển độ sâu từ 30-100m nước. Hiện đang điều tra trên diện tích 150.000km2 vùng biển Phú Kháng - Tư Chính – Vũng Mây, độ sâu từ 300-2.500m nước; đã hoàn thành đánh giá tổng thể tiềm năng quặng titan sa khoáng trong tầng cát đỏ Ninh Thuận- Bình Thuận - Bắc Bình Bà Rịa - Vũng Tàu; quặng bauxite ở Tây Nguyên, đưa nước ta thành một trong những nước đứng đầu về tài nguyên quặng titan, bauxite; phát hiện và đánh giá một số mỏ của các loại khoáng sản gồm chì – kẽm- titan, wonfram, urani, felsfat-kaolin. Hiện đang thực hiện các đề án điều tra than nâu ở đồng bằng sông Hồng, đánh giá tổng thể quặng chì-kẽm; đánh giá đá hoa trắng ở Bắc Bộ, cát thủy tinh ven biển Trung Bộ. Kết quả bước đầu đã xác định được tài nguyên than ở khu vực ven Thái Bình - Nam Định; phát hiện các thân quặng chì, kẽm ở phần sâu thuộc Việt Bắc… Về dự trữ khoáng sản, đã có 48 khu vực được đưa vào dự trữ khoáng sản quốc gia với tổng diện tích 11.363km2, gồm 10 loại khoáng sản: than, aptits, cromit, chì- kẽm, titan, bauxite, sắt laterit, đá hoa trắng, cát trắng, đất hiếm . Các khoáng sản được dự trữ với tài nguyên lớn gồm: quặng titan (421 triệu tấn), bauxite (917 triệu tấn), apatit (1,6 tỷ tấn), than nâu, than đá (40,7 tỷ tấn), đá hoa trắng (35 tỷ tấn), đá ốp lát (1,5 tỷ m3), cắt trắng (1,1 tỷ tấn). Công tác thăm dò khoáng sản được thực hiện theo đúng quy hoạch, đã xác định trữ lượng của nhiều mỏ của các loại khoáng sản quan trọng, phục vụ kịp thời nhu cầu khai thác, chế biến khoáng sản như dầu thô, than đá, quặng urani, bauxite, đá hoa… Khai thác, chế biến khoáng sản đã cung cấp nguồn nguyên liệu khoáng sản phục vụ kịp thời cho các ngành kinh tế, góp phần thực hiện công nghiệp hóa và xuất khẩu. Đã bước đầu hình thành một số khu công nghiệp chế biến khoáng sản tập trung như khu công nghiệp Tằng Loỏng ở Lào Cai, chế biến đá hoa trắng ở Yên Bái, Nghệ An, bauxite ở Đắk Nông, Lâm Đồng, than ở Quảng Ninh. Về quản lý hoạt động khoáng sản, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý hoạt động khoáng sản và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản; các hoạt động khoáng sản đã đi vào nề nếp; đã cơ bản kiểm soát được việc chấp hành các quy định về môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản; đã tạo được nguồn thu ngân sách khá lớn từ việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền sử dụng số liệu đối với công tác thăm dò, khai thác khoáng sản. Công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã được triển khai và thu được những kết quả bước đầu; Công tác quản lý hoạt động khoáng sản tại các địa phương đã được chấn chỉnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu về quy hoạch khoáng sản, bảo vệ môi trường, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua tổng hợp báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương cho thấy còn tồn tại nhiều vấn đề, hạn chế. Trong đó, một số mục tiêu Chiến lược chưa đạt được về khai thác khoáng sản phải gắn với chế biến, tạo sản phẩm có giá trị kinh tế cao; đến năm 2020 chấm dứt các cơ sở chế biến khoáng sản manh mún, công nghệ lạc hậu, hiệu quả thấp, gây ô nhiễm môi trường; hình thành các khu công nghiệp chế biến khoáng sản tập trung với công nghệ tiên tiến, có quy mô tương xứng với tiềm năng của từng loại khoáng sản,…; xuất khẩu khoáng sản trong những năm qua còn bất cập; chính sách bảo vệ, sử dụng và dự trữ tài nguyên khoáng sản không được thực hiện triệt để; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến khoáng sản và bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản còn hạn chế; công tác bảo vệ môi trường trong khai thác chế biến khoáng sản và hoàn thổ sau khai thác còn yếu kém; trách nhiệm công khai thông tin của các cơ quan quản lý, nghĩa vụ cung cấp thông tin định kỳ về khai thác khoáng sản của doanh nghiệp còn hạn chế; công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản còn chậm.
Về đề xuất nội dung điều chỉnh, bổ sung, nhìn chung vẫn giữ nguyên các quan điểm chỉ đạo được nêu trong Chiến lược, tuy nhiên, dự thảo đề xuất thay “chỉ xuất khẩu sản phẩm sau chế biến có giá trị kinh tế cao đối với khoáng sản quy mô lớn bằng “xuất khẩu sản phẩm sau tuyển, chế biến có hiệu quả kinh tế cao; ưu tiêu xuất khẩu khoáng sản có quy mô lớn” nhằm tạo điều kiện cho xuất khẩu khoáng sản phù hợp với từng thời kỳ như Nghị quyết 02/NQ-TW ngày 25/11/2011 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã nêu.
Dự thảo cũng đề xuất bổ sung thêm nội dung về đánh giá khoáng sản ở các vùng biển của Việt Nam – được coi nội dung rất quan trọng và cần thiết mà các quốc gia có biển đều tiến hành để đánh giá các khoáng sản dưới biển và bảo vệ chủ quyền; đánh giá làm rõ tiềm năng tài nguyên và các loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao trên đất liền đến độ sâu 1000m; điều chỉnh phân loại khoáng sản theo Luật Quy hoạch mới; điều chỉnh thời gian chấm dứt các cơ sở chế biến khoáng sản manh mún, công nghệ lạc hậu, hiệu quả thấp, gây ô nhiễm môi trường; Điều chỉnh tiêu chí xuất khẩu từ “chỉ xuất khẩu sản phẩm sau chế biến có giá trị cao đối với khoáng sản quy mô lớn” thành “xuất khẩu khoáng sản sau chế biến theo nguyên tắc đảm bảo nhu cầu sử dụng trong nước”.
Về định hướng phát triển, bổ sung định hướng đẩy mạnh điều tra, đánh giá các khoáng chất công nghiệp mới, các khoáng sản thay thế vật liệu xây dựng truyền thống như cát, sỏi lòng sông để giảm thiểu tác động môi trường do cát sỏi gây ra; yêu cầu hoạt động thăm dò khai thác, chế biến khoáng sản phải tuân thủ quy hoạch, đảm bảo hiệu quả, bảo vệ môi trường; bổ sung định hướng đối với thăm dò năng lượng địa nhiệt, trong đó khuyến khích thăm dò, khai thác sử dụng các nguồn địa nhiệt…
Về các giải pháp, bổ sung thêm 4 giải pháp gồm: tăng cường vai trò trách nhiệm của địa phương, nhất là chính quyền cơ sở và người dân trong việc phát hiện, ngăn chặn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; quy hoạch theo hướng mở đối với các loại khoáng sản (trừ khoáng sản phóng xạ và năng lượng) để thuận lợi cho việc thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động khoáng sản; quy định trách nhiệm công khai thông tin của các cơ quan quản lý….
Đặc biệt, đối với giải pháp bảo vệ môi trường, bổ sung thêm: Hoàn thiện cơ chế khuyến khích, phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền, nhân dân nơi có khoáng sản để phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm về môi trường trong hoạt động khoáng sản; kiên quyết đóng cửa các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị như: Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, Vụ Khoa học - Công nghệ, Vụ Kế hoạch – Tài chính đã đóng góp các ý kiến để hoàn thiện dự thảo, trong đó tập trung vào các vấn đề định hướng phát triển khoáng sản, nhất là điều tra cơ bản về khoáng sản biển; cấp phép khai thác khoáng sản; cơ chế quản lý chặt chẽ khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường….
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đánh giá cao nỗ lực của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trong việc xây dựng dự thảo Báo cáo “Tổng kết 6 năm (2012-2017) thực hiện Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đề xuất các nội dung điều chỉnh, sửa đổi”. Cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo báo cáo, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục tiếp thu các ý kiến của thành viên và các đơn vị khẩn trương hoàn thiện dự thảo Báo cáo và dự thảo điều chỉnh, sửa đổi Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo đúng tinh thần của Nghị quyết 02/NQ-TW của Trung ương để trình Bộ trưởng báo cáo Chính phủ. Trong đó phân tích, đánh giá đầy đủ hơn về những tồn tại, hạn chế; tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế chính sách tài chính về khoáng sản; thuế khoáng sản, đấu giá khoáng sản, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, hoạt động đầu tư khai thác khoáng sản của doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài… nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu khoáng sản; đẩy mạnh điều tra, đánh giá các khoáng chất công nghiệp mới, các khoáng sản thay thế vật liệu xây dựng truyền thống như cát, sỏi lòng sông để giảm thiểu tác động môi trường do cát, sỏi gây ra. Đặc biệt giải quyết được mâu thuẫn giữa khai thác thăm dò khoáng sản và bảo vệ môi trường, mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương và người dân ở nơi khai thác thăm do khoáng sản. Kiên quyết đóng cửa các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường….
Thứ trưởng đề nghị các đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam hoàn thiện dự thảo trình Bộ trưởng để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn