Tại cuộc họp, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, Tổng cục đã tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ để hoàn thiện dự thảo Báo cáo Tổng kết 6 năm thực hiện Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và dự thảo Quyết định phê duyệt điều chỉnh Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, dự thảo Chiến lược sẽ được cơ bản giữ nguyên bố cục gồm 06 nội dung chính là: Quan điểm chỉ đạo, Chiến lược, Mục tiêu, Định hướng phát triển, Các chính sách, Các giải pháp.
Các nội dung điều chỉnh, bổ sung tập trung vào nâng cao hiệu quả công tác điều tra cơ bản địa chất và khoáng sản, bao gồm cả đánh giá khoáng sản ở các vùng biển của Việt Nam, đánh giá làm rõ tiềm năng tài nguyên các loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao trên đất liền đến độ sâu 1000; phân loại khoáng sản theo Luật Quy hoạch mới gồm nhóm khoáng sản năng lượng (than, phóng xạ và năng lượng địa nhiệt), kim loại, khoáng chất công nghiệp, vật liệu xây dựng; điều chỉnh thời gian chấm dứt các cơ sở chế biến khoáng sản manh mún, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, gây ô nhiễm môi trường từ năm 2020 đến năm 2030; điều chỉnh tiêu chí xuất khẩu từ “Chỉ xuất khẩu sản phẩm sau chế biến có giá trị cao đối với khoáng sản quy mô lớn” thành “Xuất khẩu khoáng sản sau tuyển, chế biến theo nguyên tắc đảm bảo nhu cầu sử dụng trong nước, phù hợp với mục tiêu phát triển theo từng giai đoạn, từng loại khoáng sản, từng khu vực khoáng sản, có xét đến hiệu quả của việc đầu tư chế biến”.
Các định hướng phát triển về công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, về thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản được sửa đổi phù hợp với thực tiễn và phải tuân thủ quy hoạch, đảm bảo hiệu quả, bảo vệ môi trường; sử dụng công nghệ tiên tiến để thu hồi các thành phần có ích, kiểm soát chất thải trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản…
Một số giải pháp cũng được bổ sung trong điều chỉnh Chiến lược như: Tăng cường vai trò, trách nhiệm của địa phương, nhất là chính quyền cơ sở và người dân trong việc phát hiện, ngăn chặn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; đẩy mạnh đấu giá quyền khai thác các mỏ khoáng sản; hoàn thiện cơ chế khuyến khích, phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền, người dân nơi có khoáng sản để phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm môi trường trong hoạt động khoáng sản; kiên quyết đóng cửa các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đề nghị Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến các thành viên Chính phủ để hoàn thiện dự thảo Điều chỉnh Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trình Bộ trưởng xem xét trình Chính phủ, trong đó, cần nhấn mạnh đến việc ngăn chặn tình hình khai thác cát sỏi lòng sông tràn lan hiện nay và tăng cường bảo vệ lòng bờ, bãi sông.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn