Nhằm minh bạch hóa hoạt động khoáng sản, hạn chế cơ chế “xin – cho”, Luật Khoáng sản 2010 có Chương IX quy định về tài chính về khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Để thực hiện nội dung này, Chính phủ đã quy định chi tiết Khoản 2 Điều 79 Luật khoáng sản 2010 tại Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/03/2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Việc ban hành Nghị định nêu trên là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền và các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong thời gian vừa qua.
Sau khi Nghị định số 22/2012/NĐ-CP có hiệu lực, các cơ quan có thẩm quyền đều đã ban hành văn bản quy định, hướng dẫn thi hành. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 trong đó có Điều 68 sửa đổi một số điều của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP. Các Bộ đã ban hành 02 Thông tư là Thông tư số 16/2014/TT-BTNMT ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Thông tư liên tịch số 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Đánh giá kết quả 05 năm thực hiện Nghị định số 22/2012/NĐ-CP, ông Bùi Vĩnh Kiên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, sau khi một số quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 158/2016/NĐ-CP, Tổng cục đã trình Bộ phê duyệt kế hoạch đấu giá đối với 07 khu vực khoáng sản, đã tổ chức thành công 02 cuộc đấu giá đối với 02 khu vực khoáng sản là: quặng sắt khu vực Nam Phia Đăm, tỉnh Bắc Kạn và quặng apatit khai trường 19b, tỉnh Lào Cai. Các khu vực còn lại đang tiếp tục thu thập hồ sơ, tài liệu để chuẩn bị tiến hành đấu giá trong năm 2019 và các năm tiếp theo.
Tại địa phương, theo số liệu tổng hợp được, đã có 33 tỉnh/ thành phố phê duyệt kế hoạch đấu giá với 639 điểm mỏ, đã có 20 tỉnh/ thành phố tổ chức đấu giá thành công với 221 điểm mỏ với tổng số tiền trên 185 tỷ đồng, tập trung tại một số tỉnh, thành phố có nhiều khoáng sản như Thanh Hóa, Thái Nguyên, Kon Tum, Gia Lai, Bình Thuận...
Với những kết quả đạt được cho thấy việc cấp phép hoạt động khoáng sản thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế của đất nước. Thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản lựa chọn được doanh nghiệp có năng lực về tài chính, công nghệ, có kinh nghiệm trong thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Qua đó, quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu các tác động đến môi trường; đồng thời, phát huy tiềm năng khoáng sản, thu hút đầu tư khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đánh giá cao dự thảo báo cáo đánh giá 05 năm thực hiện Nghị định số 22/2012/NĐ-CP đã đánh giá toàn diện, đầy đủ những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc, bất cập và nguyên nhân để đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung và các giải pháp trong thời gian tới.
Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam tiếp tục đôn đốc các địa phương gửi báo cáo; tiến hành điều tra, khảo sát để nắm bắt tình hình thực tế tại các địa phương. Sắp tới, chuẩn bị tổ chức Hội nghị đánh giá 05 năm thực hiện Nghị định số 22/2012/NĐ-CP lấy ý kiến các Bộ ngành, địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các Hiệp hội, các nhà khoa học, chuyên gia... để tiếp thu, hoàn thiện báo cáo trình Bộ trưởng xem xét trình Chính phủ.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn