Báo cáo tại cuộc họp, ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, hiện nay, các mức xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển được quy định tại nhiều văn bản chuyên ngành khác nhau có liên quan đến các hoạt động trên biển như: Nghị định số 30/CP ngày 29/01/1980 quy chế hoạt động của tàu thuyền nước ngoài hoạt động trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam; Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Nghị định số 162/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa; Nghị định số 67/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí...
Có thể thấy, hệ thống văn bản pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, môi trường biển còn chưa đồng bộ; chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Thêm vào đó, công tác quản lý hoạt động vận tải biển, khai thác khoáng sản, khai thác cảng biển, hoạt động du lịch, nuôi trồng thủy sản thiếu chặt chẽ khiến các đối tượng chạy theo lợi ích kinh tế, cố tình vi phạm...
Như vậy, để tăng cường công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo thì việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật quy định các hành vi, hình thức và mức xử phạt chi tiết đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Để xây dựng dự thảo Nghị định, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung triển khai rà soát các quy định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển; đồng thời nghiên cứu các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực có liên quan đến lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển như đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, hàng hải, du lịch quốc phòng, dầu khí, thủy sản....để đề xuất các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức phạt cho phù hợp đối với từng nhóm hành vi cụ thể.
Theo đó, dự thảo Nghị định được xây dựng gồm 04 chương với 32 điều, gồm: Chương I về Những quy định chung, Chương II về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Chương III về Thẩm quyền ,thủ tục xử phạt vi phạm hành chình; Chương IV về Điều khoản thi hành.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho rằng, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phải bảo đảm phù hợp với thực tế, có tính hợp lý, khoa học và tính khả thi.
“Các quy định về xử phạt cần kế thừa những quy định của văn bản quy phạm pháp luật hiện hành còn phù hợp và đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn xã hội; đồng thời, các hành vi vi phạm mới phát sinh phải được quy định cụ thể, chi tiết; mức xử phạt phải bảo đảm tính răn đe, đáp ứng yêu cầu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong tình hình mới.” – Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh.
Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tiếp thu ý kiến các thành viên Ban soạn thảo để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trình Bộ trình Chính phủ xem xét, ban hành.
BBT (Nguồn:Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn