Cuộc họp có sự tham dự của các các Vụ: Kế hoạch - Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tổ chức cán bộ; các Tổng cục, Cục trực thuộc Bộ; Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia; các Viện; Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam; Văn phòng Bộ.
Đề án "Xây dựng Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1618/QĐ-TTg. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) được giao chủ trì thực hiện các dự án: Xây dựng hành lang pháp lý phục vụ thiết lập, quản lý và vận hành Hệ cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về quan trắc TN&MT; Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ hiện đại đáp ứng nhu cầu tích hợp xử lý dữ liệu quan trắc TN&MT; Xây dựng dữ liệu quan trắc của Bộ TN&MT, kết nối với Hệ CSDL quốc gia về quan trắc trắc TN&MT; Đào tạo, tăng cường năng lực chuyên môn đáp ứng các nhiệm vụ thiết lập, quản lý, duy trì và vận hành Hệ CSDL quốc gia về quan trắc TN&MT; Truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên.
Để triển khai, Bộ đã giao Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu Tài nguyên môi trường (CNTT&DLTNMT) chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Dự án tổng thể “Xây dựng Hệ CSDL quốc gia về quan trắc TN&MT”.
Theo báo cáo, Dự án tổng thể “Xây dựng Hệ CSDL quốc gia về quan trắc TN&MT” bao gồm: (i) Xây dựng hành lang pháp lý phục vụ thiết lập, quản lý và vận hành Hệ CSDL quốc gia về quan trắc TN&MT; (ii) Xây dựng dữ liệu quan trắc của Bộ TN&MT, kết nối với Hệ CSDL quốc gia về quan trắc trắc TN&MT (gồm: Xây dựng kiến trúc tổng thể hệ thống thông tin quan trắc TN&MT quốc gia; Xây dựng dữ liệu quan trắc các lĩnh vực: môi trường, biển và hải đảo, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, địa chất và khoáng sản, tài nguyên nước, đất đai và viễn thám); (iii) Kết nối, chia sẻ, tích hợp thông tin, dữ liệu phục vụ hoàn thiện kho dữ liệu quan trắc TNMT quốc gia (bao gồm các bộ, ngành và địa phương); (iv) Triển khai các giải pháp phân tích, dự báo, cảnh báo, khai thác thông tin, dữ liệu; (v) Xây dựng hệ thống phần mềm hỗ trợ biên tập tổng hợp, xử lý, phân tích thông tin, dữ liệu; hệ thống Cổng thông tin công bố, cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu; hệ thống ứng dụng trên thiết bị di động phục vụ quản lý, điều hành, hỗ trợ công bố thông tin, dữ liệu; các dịch vụ dữ liệu phục vụ dùng chung, chia sẻ, khai thác; các giao diện lập trình API; (vi) Đào tạo, tăng cường năng lực chuyên môn đáp ứng các nhiệm vụ thiết lập, quản lý, duy trì và vận hành Hệ CSDL quốc gia về quan trắc TN&MT và truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên.
Dự án phải được thực hiện theo các quy định, quy trình kỹ thuật về thu thập, công bố, chia sẻ thông tin, dữ liệu quan trắc TN&MT. Đặc biệt, thực hiện theo Kiến trúc tổng thể hệ thống thông tin quan trắc TN&MT quốc gia; Mô hình dữ liệu quan trắc TN&MT quốc gia; Dữ liệu quan trắc TN&MT được chuẩn hóa, xây dựng bổ sung của các lĩnh vực quản lý của Bộ.
Theo đó, Hệ thống thông tin quan trắc TN&MT quốc gia bao gồm: Hệ thống thu nhận dữ liệu (CS); Kho dữ liệu quan trắc TN&MT quốc gia được kết nối, chia sẻ với CSDL của các lĩnh vực thuộc Bộ; CSDL của các bộ, ngành, địa phương; và Hệ thống công bố, chia sẻ thông tin, dữ liệu quan trắc TN&MT.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các đơn vị đã tham gia góp ý xây dựng các cơ chế quản lý, phối hợp vận hành thực hiện Dự án; kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị để chuẩn hoá và đồng bộ CSDL, từ đó đưa ra giải pháp và triển khai trong thời gian tới.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thống nhất với các ý kiến góp ý của các Thứ trưởng trong từng nhiệm vụ. Trong quá trình xây dựng hệ thống, phải rà soát tình hình triển khai các hệ thống thông tin, CSDL đang triển khai tại Bộ; thực hiện tái cấu trúc và đề xuất lộ trình xây dựng đảm bảo thống nhất, kế thừa và hiệu quả; thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước. Các sản phẩm của Dự án được đóng góp vào nguồn tài nguyên số, hạ tầng công nghệ thông tin chia sẻ chung trong toàn ngành TN&MT.
"Các nội dung thực hiện trong Dự án phải phù hợp với thiết kế tổng thể, lộ trình thực hiện phát triển Chính phủ điện tử của Ngành. CSDL TN&MT phải được thiết kế tổng thể, bao gồm đầy đủ các CSDL thành phần, các quy định kỹ thuật, cách thức chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu. Trong đó hệ CSDL quốc gia về quan trắc TN&MT là một thành phần quan trọng, đóng góp thông tin, số liệu; được kết nối, chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương, khu vực và quốc tế phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, quản lý nhà nước, phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng và an sinh xã hội" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn