Báo cáo VNR của Việt Nam nêu bật kết quả đạt được trong việc thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, phân tích những khó khăn, thách thức đặt ra trong việc thực hiện các mục tiêu này ở Việt Nam và đưa ra những đề xuất, khuyến nghị để thúc đẩy việc thực hiện (SDGs) trong thời gian tới.
Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) là một tập hợp các chỉ tiêu liên quan đến tương lai phát triển quốc tế do Liên Hợp Quốc đề ra. Có 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu cụ thể, trong đó có các mục tiêu về TN&MT như nước sạch và vệ sinh; năng lượng tái tạo và có giá cả hợp lý; sử dụng các nguồn tài nguyên một cách có trách nhiệm; hành động vì khí hậu; các đại dương bền vững; sử dụng đất bền vững.
Ngoài các thành tựu về tăng trưởng kinh tế, giảm tỷ lệ đói nghèo, các vấn đề về quản lý tài nguyên và môi trường của Việt Nam cũng đã được cải thiện.
Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện Kế hoạch Hành động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm mọi người dân được phát huy tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, công bằng, văn minh và bền vững.
Diễn đànHLPF 2018 quy tụ hơn 2.500 đại biểu đến từ 193 nước thành viên LHQ (trong đó có 80 nước cử đoàn cấp Bộ trưởng), các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và giới học giả quốc tế. HLPF năm nay tập trung thảo luận chủ đề “Chuyển đổi hướng tới các xã hội bền vững và tự cường”, rà soát việc thực hiện 6/17 SDGs liên quan và xem xét Báo cáo VNR của 47 quốc gia. Hiện Việt Nam đang là thành viên của Hội đồng Kinh tế Xã hội nhiệm kỳ 2016 - 2018.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn