Tham dự buổi họp có lãnh đạo các đơn vị: Tổng cục Khí tượng thủy văn; Cục Quản lý tài nguyên nước; Cục Biến đổi khí hậu; Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu; Viện Khoa học Tài nguyên nước; Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia; Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam và các đơn vị liên quan.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, trước diễn biến của thiên tai, thời tiết bất thường, công tác quản lý tài nguyên nước đang đặt ra yêu cầu phải hành động nhanh hơn. Từ các lưu vực sông nhỏ cho đến các lưu vực sông xuyên biên giới ở những quy mô khác nhau đều đặt ra những vấn đề hết sức cấp bách đòi hỏi sự phối hợp, cùng nhau giải quyết của các cơ quan liên quan.
Thực hiện Quyết định số 1977/QĐ-BTNMT ngày 31/7/2019 của Bộ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức lập quy hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với việc xây dựng quy hoạch của hai lĩnh vực tài nguyên nước và khí tượng thủy văn, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị cần đưa ra các kế hoạch cụ thể về công tác xây dựng quy hoạch của hai lĩnh vực và đề xuất giải pháp triển khai thực hiện.
Báo cáo về lập quy hoạch lĩnh vực tài nguyên nước, ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, theo Quyết định số 1977/QĐ-BTNMT, từ nay đến năm 2025, lĩnh vực tài nguyên nước sẽ triển khai thực hiện lập 15 quy hoạch gồm: 01 quy hoạch ngành quốc gia là Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia; 01 quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành là Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước; và 13 Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh gồm lưu vực sông: Bằng Giang - Kỳ Cùng, Srepok, Sê San, Hồng - Thái Bình, Cửu Long, Đồng Nai, Sông Ba, sông Mã, sông Cả, Vu Gia - Thu Bồn, sông Hương, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh.
Đối với Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, Cục Quản lý tài nguyên nước đã hoàn thiện hồ sơ Nhiệm vụ lập quy hoạch tài nguyên nước quốc gia theo ý kiến góp ý của các Bộ ngành, địa phương và đã trình Bộ xem xét trình Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ.
Với nhóm quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, Cục đang xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long và lưu vực sông Đồng Nai; đang hoàn thành hồ sơ lập quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng; đang triển khai lập quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình và Se San - Srepok.
Trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn La Đức Dũng cho biết, Tổng cục được giao chủ trì xây dựng Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Tổng cục đang xây dựng lộ trình, kế hoạch lập quy hoạch này.
Tại cuộc họp, các đơn vị cũng kiến nghị một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách như thiếu các định mức đơn giá đối với nhiệm vụ lập quy hoạch, thiếu các hướng dẫn kỹ thuật,...
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành chia sẻ với những vướng mắc về hành lang pháp lý và định mức đơn giá trong vấn đề lập quy hoạch. Thứ trưởng đề nghị các đơn vị tiếp tục triển khai các quy định, trình tự theo kế hoạch được Bộ trưởng ban hành tại Quyết định 1977/QĐ-BTNMT và tiếp tục đề xuất các giải pháp thực hiện.
Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị tập trung vào những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, nhất là phải xây dựng được Quy hoạch tài nguyên nước Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian sớm nhất.
“Tài nguyên nước đặc biệt quan trọng đối với Đồng bằng sông Cửu Long, đòi hỏi các đơn vị trong lĩnh vực tài nguyên nước phải nỗ lực, tận dụng tất cả những nguồn lực đang có để xây dựng Quy hoạch tài nguyên nước; để bảo vệ, phân bổ nguồn nước đảm bảo phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.” – Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn