Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cử cán bộ gặp trực tiếp cử tri Trần Hoàng Phong, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, nghe phản ánh của cử tri về việc thực hiện đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là Giấy chứng nhận) tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai. Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã rà soát, đánh giá toàn diện việc thành lập, hoạt động, hiệu quả của Văn phòng đăng ký đất đai.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Chủ tịch Quốc hội về các nội dung liên quan.
Về đánh giá hoạt động của các mô hình Văn phòng đăng ký đất đai
Đối với mô hình văn phòng đăng ký hai cấp (cấp tỉnh và cấp huyện)
Theo quy định của pháp luật về đất đai năm 2003, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất được thành lập theo hai cấp: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện. Đến trước thời điểm ngày 01 tháng 7 năm 2014 (thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực), có 63/63 tỉnh thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh và 675/698 Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện. Việc thành lập Văn phòng đăng ký ở hai cấp trong giai đoạn này nhằm thực hiện mục tiêu cơ bản hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận lần đầu theo yêu cầu của Quốc hội, trong đó chủ yếu là đối tượng hộ gia đình, cá nhân. Theo đó, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc xác nhận và tham mưu để Ủy ban nhân dân cấp huyện xác lập quyền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho người sử dụng đất nhằm tạo sự đồng bộ trong quản lý, điều hành.
Kết quả cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã tăng đáng kể và đã căn bản hoàn thành công tác cấp Giấy chứng nhận lần đầu vào năm 2013 (bình quân chung cả nước đã đạt trên 85% diện tích cần cấp).
Đến thời điểm thực hiện pháp luật đất đai năm 2013, trên địa bàn cả nước đã cơ bản hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận lần đầu. Nhiệm vụ chủ yếu trong giai đoạn này là thực hiện việc đăng ký biến động đất đai đối với trường hợp người sử dụng đất thực hiện các giao dịch. Nếu việc xác lập các giao dịch đối với các trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận vẫn giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện sẽ tạo áp lực rất lớn cho cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Theo xu thế của một số nước phát triển trên thế giới thì việc đăng ký biến động đất đai do cơ quan dịch vụ công thực hiện. Mặt khác, việc hoạt động của hệ thống Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất theo mô hình hai cấp sau một thời gian thành lập đã bộc lộ những tồn tại, bất cập cần phải khắc phục được như:
(i) Vai trò tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh đối với cấp huyện còn hạn chế về hiệu lực, hiệu quả; (ii) Hệ thống hồ sơ địa chính phải lập nhiều bộ, lưu giữ ở nhiều cấp, làm cho quy trình cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính phức tạp, trùng lặp, nên không được thực hiện đầy đủ, đồng bộ; khó khăn cho xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất trong tỉnh và triển khai Chính phủ điện tử. (iii) Công tác đăng ký, chỉnh lý biến động đất đai không kịp thời, làm tăng chi phí lập và quản lý, chỉnh lý hồ sơ địa chính; hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai bị quản lý phân tán; (iv) Khó khăn trong việc chứng nhận giao dịch cho tổ chức và cá nhân khi thực hiện các giao dịch về đất đai, nhất là trong các trường hợp chuyển quyền giữa tổ chức và cá nhân; (v) Trên cùng một tỉnh, cùng một vấn đề nhưng còn tình trạng mỗi huyện yêu cầu hồ sơ và áp dụng pháp luật để giải quyết khác nhau, thiếu đồng bộ; (vi) Không điều tiết được công việc, nhân sự giữa các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện.
Đánh giá về mô hình Văn phòng đăng ký đất đai hiện nay
Từ những tồn tại, hạn chế trong quá trình hoạt động của mô hình Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất ở hai cấp, trước yêu cầu của thực tiễn khách quan, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện Đề án thí điểm kiện toàn hệ thống Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành một cấp trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2012) tại các tỉnh, thành phố: Hà Nam, Hải Phòng, Đà Nẵng và Đồng Nai.
Trên cơ sở kết quả tổng kết, đánh giá việc thực hiện thí điểm, Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã được thể chế hóa trong pháp luật đất đai năm 2013, theo đó chuyển nguyên trạng cơ sở vật chất và nguồn nhân lực từ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường để thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.
Quá trình triển khai thực hiện trong thực tiễn cho thấy việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai đã giúp đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa ngành quản lý đất đai, thúc đẩy thực hiện cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, đồng thời chủ động hơn trong việc điều phối nguồn nhân lực giữa các huyện theo yêu cầu nhiệm vụ, cụ thể:
(i) Về thủ tục hành chính: đối với những địa phương đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai theo mô hình hiện nay giảm được 21 thủ tục hành chính (từ 62 thủ tục xuống còn 41 thủ tục).
(ii) Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận cơ bản được bảo đảm đúng quy định; thời gian thực hiện thủ tục đăng ký và cấp Giấy chứng nhận giảm từ 05 - 25 ngày so với trước đây. Thời gian giải quyết hồ sơ giao dịch về đất đai đảm bảo đạt 90 - 95% so với quy định.
(iii) Về kiểm soát hồ sơ đăng ký: Do hồ sơ được chuẩn hoá, lưu trữ, xây dựng thành cơ sở dữ liệu nên đã đảm bảo thuận lợi trong quá trình thẩm định khi người sử dụng thực hiện các quyền. Qua thẩm tra đã xác minh nhiều trường hợp sử dụng Giấy chứng nhận giả (giả phôi Giấy chứng nhận, giả thông tin trên Giấy chứng nhận,...) để thực hiện các giao dịch về đất đai, tài sản gắn liền với đất nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân khác mà cơ quan công chứng, chứng thực không phát hiện và ngăn chặn, tránh rủi ro xảy ra cho tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch.
(iv) Các Văn phòng đăng ký đất đai đã từng bước chuyên nghiệp hoá, chủ động hơn trong việc điều phối nguồn nhân lực trong toàn hệ thống, bố trí nhân lực để xây dựng, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính; đồng thời tăng cường kiểm tra, chỉ đạo việc cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính ở các cấp huyện, xã để bảo đảm sự thống nhất của hồ sơ địa chính.
(v) Nhiều Văn phòng đăng ký đất đai hoạt động hiệu quả, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp; từng bước tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước; minh bạch hóa các nguồn thu từ cung cấp dịch vụ và giảm thiểu hướng tới triệt tiêu các loại hình dịch vụ và nguồn thu phi chính tắc. Nguồn thu từ đất (bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất, phí, lệ phí do Văn phòng đăng ký đất đai trực tiếp thu hoặc chuyển cơ quan Thuế, Kho bạc Nhà nước để thu theo quy định) cho ngân sách nhà nước liên tục tăng.
(vi) Việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai là cơ sở nền tảng cho việc liên thông dữ liệu với các ngành khác, tiến tới Chính phủ điện tử.
Qua khảo sát đánh giá chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam, tỷ lệ người dân phản ánh có bôi trơn trong quá trình thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận đã giảm từ 44% năm 2015 xuống còn 15% năm 2018.
Trong quá trình triển khai thực hiện mô hình Văn phòng đăng ký đất đai một cấp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, Uỷ ban nhân dân một số địa phương, cử tri về vướng mắc trong thẩm quyền ký Giấy chứng nhận đối với trường hợp đăng ký biến động dẫn đến quá tải của cơ quan tài nguyên và môi trường cấp tỉnh. Trên cơ sở tiếp thu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2017/NĐCP, trong đó cho phép Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện cụ thể tại địa phương để quy định cho phép Sở Tài nguyên và Môi trường được ủy quyền cho Văn phòng đăng ký đất đai cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận (Khoản 1 Điều 37 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP).
Tuy nhiên, hiện nay hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai vẫn còn gặp một số khó khăn do chưa được quan tâm đầu tư hoặc chưa có cơ chế tạo nguồn thu phù hợp, việc thu chủ yếu qua phí, lệ phí, trong khi nhiều khoản thu được miễn, giảm cho người sử dụng đất nhưng không có cơ chế bù đắp trong khi Văn phòng đăng ký đất đai phải hoạt động theo cơ chế tự chủ dẫn đến trụ sở làm việc tại nhiều nơi phải đi mượn, kho lưu trữ chật hẹp, cơ sở vật chất của Văn phòng đăng ký đất đai thiếu đồng bộ, thiết bị không đầy đủ, lạc hậu, không có kinh phí bảo trì thường xuyên, cơ sở dữ liệu đất đai chưa được hoàn thiện, một số địa phương chưa xây dựng đồng bộ cơ sở dữ liệu đất đai nên việc luân chuyển hồ sơ gặp nhiều khó khăn.
Về đề nghị của cử tri chuyển Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai về Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc về trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện Đối với cử tri Trần Hoàng Phong, qua trực tiếp làm việc, trao đổi, lắng nghe thì từ năm 2009 đến nay, cử tri không thực hiện thủ tục đăng ký đất đai. Ý kiến cử tri phát biểu là phản ánh ý kiến của một số hộ lân cận, cử tri cũng không cung cấp được những thông tin cụ thể về những khó khăn gặp phải trong việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận. Ngoài ý kiến phản ánh của cử tri Trần Hoàng Phong, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được một số ý kiến của Đại biểu Quốc hội và cử tri về vấn đề này. Tuy nhiên, từ thực tế hiệu quả hoạt động của mô hình Văn phòng đăng ký đất đai hiện nay, với yêu cầu chuyển dần tổ chức cung cấp dịch công sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, việc giữ mô hình Văn phòng đăng ký đất đai như hiện nay là phù hợp với bối cảnh trong nước cũng như phù hợp với xu thế của các nước trên thế giới, nhằm giảm áp lực cho cơ quan hành chính nhà nước.
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện các giải pháp: Tập trung chỉ đạo việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, chỉ đạo việc triển khai chữ ký số tiến tới thực hiện mô hình đăng ký điện tử trong lĩnh vực đất đai. Đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, hoàn thiện cơ chế tài chính cho hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai.
BBT (Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn