Tham dự Hội nghị có nguyên Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Tổng cục.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, trong năm 2018, Tổng cục đã được Đảng, Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường tin tưởng giao tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng. Đặc biệt, Tổng cục đã tổ chức thành công tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 của Hội nghị Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và xây dựng, trình Hội nghị Trung ương 8 khóa XII ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Tổng cục đã rà soát, đánh giá và tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Cụ thể, đã tham mưu với Bộ trình Chính phủ: đề xuất xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về lấn biển, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 14/2018/QĐ-TTg ngày 12/3/2018 về Quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc cấp phép, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trên vùng biển Việt Nam; trình Bộ trưởng ban hành Thông tư số 22/2018/TT-BTNMT ngày 15/11/2018 về định mức kinh tế kỹ thuật đo vẽ bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:5.000; Thông tư số 33/2018/TT-BTNMT ngày 26/12/2018 quy định kỹ thuật về khắc phục sự cố môi trường do dầu tràn trên biển.
Công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo được chú trọng và chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ cơ bản những khó khăn, vướng mắt trước mắt, bước đầu thiết lập nền tảng quản lý cho lâu dài. Về công tác quản lý điều tra cơ bản và xây dựng cơ sở dữ liệu biển và hải đảo, Tổng cục đã tập trung tiến hành tổng kết bước đầu 10 năm thực hiện Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên – môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 (Đề án 47); đồng thời, xây dựng dự thảo Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030 trên cơ sở đánh giá, lựa chọn các dự án mang tính vừa cấp bách, vừa lâu dài, phù hợp với khả năng đầu tư nguồn lực của Nhà nước. Đẩy mạnh thực hiện các dự án, đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản và xây dựng dữ liệu tài nguyên, môi trường biển, bước đầu đã triển khai ở các vùng biển sâu, biển xa và vùng biển quốc tế liền kề...
Về công tác quản lý khai thác biển và hải đảo, Tổng cục đã chủ động rà soát, kế thừa các kết quả từ Đề án quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển Việt Nam để điều chỉnh, xây dựng Nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia, Nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. Hoàn thành và trình Bộ công bố đường ranh giới cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm theo vĩ tuyến một khoảng cách 03 hải lý, danh mục các điểm có giá trị đặc trưng triều vùng ven biển Việt Nam và 10 đảo, cụm đảo lớn của Việt Nam phục vụ cho việc thiết lập, quản lý hành lang bảo vệ bờ biển. Tăng cường theo dõi, đôn đốc, đánh giá tình hình triển khai các nhiệm vụ trong Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Công tác giao khu vực biển bước đầu thực hiện đã đi vào nền nếp, bảo đảm tuân thủ các quy định hiện hành, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, địa phương có biển trong việc xử lý các hồ sơ giao khu vực biển để nhận chìm.
Về công tác kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý, sử dụng tài nguyên và môi trường biển đã được Tổng cục triển khai có trọng tâm, trọng điểm, huy động và kết hợp hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan ở Trung ương và địa phương, lực lượng cảnh sát môi trường, cảnh sát biển. Nội dung thanh tra, kiểm tra đã tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc từ thực tiễn như tình trạng vi phạm pháp luật trong sử dụng tài nguyên biển, chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường biển trong các dự án đầu tư ven biển; chủ động tăng cường kiểm tra đột xuất nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Công tác khoa học, công nghệ được quản lý ngày càng chặt chẽ, nâng cao hơn nữa về chất lượng, hiệu quả; công tác hợp tác quốc tế được đẩy mạnh và có bước phát triển mạnh mẽ. Tổng cục đã tập trung hoàn thiện các quy chế, quy định, xây dựng mạng lưới chuyên gia, các nhà khoa học, bảo đảm công tác khoa học công nghệ được triển khai có hiệu quả, chất lượng phục vụ tốt cho công tác quản lý của Bộ và Tổng cục. Đồng thời, Tổng cục đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai tổ chức thành công nhiều hoạt động quốc tế, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này như tham gia các sự kiện bên lề, cuộc họp bàn tròn cấp cao về rác thải nhựa đại dương tại Kỳ họp lần thứ 6 Đại Hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), tổ chức Hội thảo “Chính sách đại dương: Kinh nghiệm của Nhật Bản”, Hội thảo “Tham vấn Kế hoạch hành động quốc gia về Quản lý rác thải nhựa đại dương”, Hội thảo về xây dựng quy hoạch, kế hoạch biển…
Song song với các nhiệm vụ chuyên môn, tổ chức bộ máy của Tổng cục đã được kiện toàn theo hướng tinh gọn, chấn chỉnh và nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức.
Về phương hướng nhiệm vụ trong năm 2019, Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi cho biết, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam quán triệt sâu sắc và bám sát phương châm "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả" của Chính phủ, đẩy mạnh toàn diện các mặt công tác của Tổng cục, góp phần thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019 và về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Trong năm 2019, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phấn đấu đạt một số mục tiêu cụ thể: (1) Tập trung thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW thành các kế hoạch, chương trình, dự án, nhiệm vụ. (2) Hoàn thành chỉ tiêu 28% diện tích các vùng biển được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỷ lệ bản đồ 1:500.000. (3) Tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, trọng tâm là hoàn thiện thể chế, công tác cấp phép, công tác kiểm tra, thanh tra. (4) Nâng cao một bước năng lực của hệ thống tổ chức bộ máy và công chức, viên chức, người lao động của Tổng cục và các Chi cục Biển và Hải đảo. (5) Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, điều hành, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các giải pháp quản lý thông minh, trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý. |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quý Kiên biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trong năm 2018, đặc biệt đã xây dựng, trình ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. “Đây là Nghị quyết quan trọng tập trung phát triển bền vững kinh tế biển đảo, lần đầu tiên được công khai với toàn dân và thế giới, để thể hiện quan điểm, tiếng nói của chúng ta trong phát triển bền vững kinh tế biển. Đây là thành tích được ngành Tài nguyên và Môi trường ghi nhận là sự kiện nổi bật đầu tiên của ngành trong năm 2018.” – Thứ trưởng nói.
Về nhiệm vụ năm 2019, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đề nghị Tổng cục quyết tâm thực hiện hoàn thành, bảo đảm tiến độ và chất lượng 12 nhiệm vụ Bộ Tài nguyên và Môi trường giao tại Quyết định số 12/QĐ-BTNMT ngày 02/01/2019 ban hành Chương trình hành động của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019.
“Một số nhiệm vụ hết sức quan trọng cần tập trung trí tuệ như Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết 36/NQ-TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia; các đề án hợp tác quốc tế nhất là Kế hoạch hành động quốc gia về rác thải nhựa đại dương đến năm 2030;…” – Thứ trưởng nêu một số nhiệm vụ quan trọng trong khối lượng công việc lớn của Tổng cục trong năm 2019.
Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề nghị Tổng cục tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý biển và hải đảo từ Trung ương đến địa phương; nghiên cứu, xây dựng, trình ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên, môi trưởng biển và hải đảo; đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết 36/NQ-TW; tăng cường hợp tác quốc tế về biển và hải đảo…
Với khối lượng công việc đồ sộ, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam quán triệt phương châm "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả" của Chính phủ để tiếp tục “bứt phá” và thực hiện “hiệu quả” các nhiệm vụ được giao, đạt những kết quả tốt trong năm 2019, góp phần dần đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển mạnh mẽ về biển và hải đảo.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn