Báo cáo về triển khai Nghị quyết số 67/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ về phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Chu An Trường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, đến nay Tổng cục đã thành lập Ban Quản lý nhiệm vụ; có gửi các Bộ ngành, địa phương để thu thập thông tin, dữ liệu đầu vào, báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 134/2016/QH13 và đề xuất nhu cầu sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến trong tháng 3- 4 tới sẽ tổ chức các Đoàn, Tổ công tác để làm việc với các Bộ, ngành, địa phương và khảo sát thực địa.
Bên cạnh đó, Tổng cục đã rà soát bổ sung, biên tập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2020 của 6 vùng kinh tế - xã hội trên cơ sở dữ liệu bản đồ Hiện trạng kiểm kê 2019 và cơ sở dữ liệu, bản đồ đất trồng lúa; xây dựng bản đồ kết quả thực hiện quy hoach sử dụng đất; tổ chức đánh giá ban đầu kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia theo Nghị quyết số 134/2016/QH13.
Đồng thời, đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu phân bổ quốc gia cho các địa phương thực hiện; làm cơ sở quan cho việc rà soát cân đối, phân bổ cho các địa phương trong kỳ quy hoạch 2021-2030, giúp hạn chế tình trạng quy hoạch treo gây khó khăn cho người sử dụng đất; nghiên cứu tiềm năng đất đai phục vụ phân vùng sử dụng đất và rà soát tác động của các yếu tố biến đổi khí hậu đến sử dụng đất.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Tổng cục còn gặp một số khó khăn về chất lượng thông tin đầu vào. Để đảm bảo đtiến độ lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Tổng cục đề xuất ban hành quy định về tiêu chuẩn chuyên gia quy hoạch trong nước thuộc lĩnh vực do Bộ quản lý (gồm cả chuyên gia trong và ngoài Bộ); đề xuất đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị trong việc trao đổi, cung cấp các thông tin chuyên ngành có liên quan như số liệu quan trắc thủy triều, xâm nhập mặn tại các trạm thủy văn; kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng; tài nguyên csm biển, đảo, môi trường…
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đánh giá cao Tổng cục Quản lý đất đai đã chủ động triển khai các nội dung theo chỉ đạo tại Nghị quyết của Chính phủ và Kế hoạch Bộ giao. Chia sẻ khó khăn trong quá trình thực hiện lập quy hoạch, Thứ trưởng cho rằng, do thực tế các kỳ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung cũng như các quy hoạch khác đều triển khai đầu kỳ, nên số liệu đầu vào không chính thức, do đó, Tổng cục cần bám sát các chỉ số sử dụng đất cấp quốc gia; các chỉ tiêu phân bổ do quốc gia quản lý; chủ động cập nhật, điều chỉnh số liệu, xác định các chỉ tiêu, dự báo về sử dụng đất trong tương lai .
Thứ trưởng lưu ý trong kỳ quy hoạch lần này, cách phân bổ cần có sự đổi mới hơn, tiên lượng được sự biến động trong sử dụng đất ở các vùng miền, các tỉnh trên cơ sở các lợi thế so sánh về kinh tế; tránh trường hợp như thời gian qua có các khu công nghiệp, khu đô thị sử dụng đất không hết (chỉ đạt 20-30%); trong khi đó có những địa phương lại thiếu, nên rất bị động. Đồng thời, cần có phương án thực hiện linh hoạt, để khi dịch bệnh diễn ra vẫn đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng theo kế hoạch được giao.
Liên quan đến đề nghị ban hành Quy định về tiêu chuẩn chuyên gia quy hoạch trong nước thuộc lĩnh vực do Bộ quản lý, Thứ trưởng đề nghị Vụ Tổ chức cán bộ khẩn trương phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ để ban hành Quy chuẩn này, làm cơ sở phục vụ xây dựng quy hoạch và điều tra cơ bản của Ngành.
Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ tiếp tục tăng cường phối hợp với Tổng cục Quản lý đất đai nhằm đảm bảo các quy hoạch được đồng bộ, thống nhất. Trong đó các số liệu quan trắc thủy văn, đa dạng sinh học, không gian biển, quy hoạch khoáng sản, quy hoạch sử dụng đất… là những số liệu quan trọng để đưa ra phương án sử dụng đất hợp lý và hiệu quả cao.
Tổng cục Quản lý đất đai cần xây dựng kế hoạch cụ thể để làm việc với các Bộ, ngành và địa phương; kịp thời báo cáo lãnh đạo Bộ để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)