Thủ tướng: "Việt Nam phải làm việc như một nước phát triển trong chuyển đổi năng lượng"
Thủ tướng cho rằng Việt Nam đã đưa ra các cam kết và phải làm các công việc như một nước phát triển trong ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, do đó, cần sự hỗ trợ và ưu đãi của các nước phát triển theo hướng bảo đảm công bằng, công lý.
Sáng 10/12 (theo giờ địa phương), nhân dịp thăm chính thức Luxembourg, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thăm, làm việc tại Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB). Thời gian qua, Việt Nam và EIB đã thống nhất một thỏa thuận khung hợp tác tài chính và trên cơ sở đó, ký kết 5 hiệp định tài trợ với tổng trị giá cam kết 571 triệu EUR. Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng trước kiến trúc của trụ sở EIB, hiện đại và tận dụng được ánh sáng tự nhiên theo xu thế phát triển xanh, bền vững, tiết kiệm năng lượng, hài hòa với thiên nhiên. Thủ tướng đánh giá cao EIB đã cùng Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác tài chính mật thiết, đạt nhiều kết quả trong hơn 2 thập kỷ qua. Tuy nhiên, các dự án hợp tác giữa hai bên đã triển khai với tổng trị giá 571 triệu EUR là vẫn còn chậm và hạn chế so với tiềm năng hợp tác. Điều này cần được khắc phục trong thời gian tới, trước hết là với nỗ lực từ phía Việt Nam. Thủ tướng cho biết Việt Nam đang rất cần nguồn lực, nhất là tài chính để triển khai 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng kết cấu hạ tầng). Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ động, thực chất, hiệu quả. Trong quá trình phát triển, Việt Nam xác định lấy nội lực (con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử - văn hóa) là cơ bản, quyết định lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên, trong đó có nguồn vốn từ nhà đầu tư (trực tiếp và gián tiếp), viện trợ, vốn vay. Tuy nhiên, việc vay vốn phải phù hợp với xu thế phát triển. Thủ tướng mong muốn hai bên tăng cường hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn, với quy mô lớn hơn và thời gian dài hơn, các dự án nhiều hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của EIB và Việt Nam có nhu cầu như chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, hạ tầng chiến lược, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân Việt Nam. Thủ tướng đề nghị hai bên phải đàm phán, ký kết thỏa thuận hợp tác tài chính mới thay thế thỏa thuận ký kết năm 1997, phù hợp với tình hình hiện nay. Đồng thời rà soát, phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với các dự án đang triển khai, trong đó có dự án thủy điện Nậm Pung trong khung khổ Hiệp định hạn mức tín dụng môi trường năm 2009, tiếp tục thúc đẩy các dự án Metro 03 Hà Nội và Metro 02 Thành phố Hồ Chí Minh. Với các dự án sắp tới, Thủ tướng đề nghị EIB tiếp cận theo tinh thần Chương trình chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP, trong đó, các nước phát triển hỗ trợ tài chính cho các nước bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu và nước biển dâng) mà Việt Nam đang đàm phán với các nước G7, hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết về giảm phát thải, phù hợp với thỏa thuận về biến đổi khí hậu. Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, nên cần các điều kiện vay ưu đãi hơn như về lãi suất để đảm bảo nguyên tắc công bằng, công lý. Thủ tướng lấy ví dụ, các dự án chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam phải có giá ở mức mà người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế chịu đựng được, không thể ở mức cao như với các nước có thu nhập bình quân đầu người lên tới 50.000-60.000 USD. "Việt Nam là một nước có thu nhập bình quân đầu người chỉ 4.000 USD mà phải làm như một nước có thu nhập hàng chục nghìn USD, một nước đang phát triển mà phải làm như một nước phát triển thì phải có ưu đãi; quan điểm của chúng tôi về công bằng, công lý là như vậy", Thủ tướng cho biết. Thủ tướng cũng đề nghị hai bên cùng nghiên cứu đổi mới các thủ tục triển khai dự án theo hướng đơn giản, dễ thực hiện, chống tiêu cực. Thủ tướng tin tưởng rằng với sự đồng nhất cao về ưu tiên của hai bên, EIB và Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ và sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác tài chính hiệu quả, hai bên cùng có lợi.
Phó Chủ tịch EIB Kris Peeters nhấn mạnh EIB sẵn sàng tăng cường hơn nữa mối quan hệ và hợp tác với Việt Nam, dựa trên kinh nghiệm hiện có trong việc tài trợ cho các dự án giao thông bền vững như tuyến tàu điện ngầm Hà Nội và đồng tài trợ cho các dự án góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu. Đánh giá cao những thông điệp rõ ràng, cụ thể của Thủ tướng, phía EIB cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan phía Việt Nam và EU để tích cực triển khai các đề xuất hợp tác mà Thủ tướng đề cập, tin tưởng vào triển vọng hợp tác tốt đẹp hơn nữa giữa hai bên trong tương lai, đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế xanh, sạch, bền vững trên thế giới và ở Việt Nam. Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và EIB, mở đường cho việc tăng cường đóng góp của EIB vào sản xuất điện bền vững, thông qua việc hỗ trợ tài chính cho các dự án đầu tư điện tại Việt Nam và tăng cường quan hệ đối tác trong các lĩnh vực sản xuất, lưu trữ điện, truyền tải, phân phối và bán hàng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng theo hướng khử carbon