Dự Diễn đàn có: Bà Nguyễn Thị Thu Hoài - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền - Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Hà Hồng - Trưởng Ban Bạn đọc Báo Nhân dân; ông Lại Bá Hà - Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị; bà Trần Lan Anh - Phó Tổng biên tập Báo Nhà báo và Công luận cùng đông đảo các biên tập viên, phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có: Ông Vũ Minh Sơn, Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền, Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường; ông Vũ Sĩ Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; ông Hoàng Mạnh Hà, Tổng biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường.
Diễn đàn cũng thu hút sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu trong phong trào chống rác thải nhựa, rác thải đại dương. Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng Tháng hành động Vì môi trường năm 2019, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2019, Kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam;
Diễn đàn Nhà báo với Môi trường và Biển đảo lần thứ III - 2019 với chủ đề: “Chống rác thải nhựa: Trách nhiệm quản lý - truyền thông - doanh nghiệp”. Diễn đàn là sân chơi chung cho các nhà quản lý - nhà báo - doanh nghiệp cùng chia sẻ thông tin, chính sách và kinh nghiệm trong lĩnh vực rác thải nhựa, rác thải đại dương nhằm đạt đến tiếng nói chung để giảm thiểu tối đa rác thải nhựa ra môi trường nói chung và đại dương nói riêng.
Kêu gọi sự chung tay của từng tổ chức, doanh nghiệp, người dân và các cơ quan truyền thông, báo chí trong công cuộc chống rác thải nhựa
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã ôn lại truyền thống của nền báo chí Cách mạng Việt Nam. Kể từ khi nền Báo chí Cách mạng Việt Nam được thành lập vào ngày 21/6/1925, trải qua 94 năm, Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt giữ vai trò quan trọng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, đóng góp to lớn vào sự nghiệp Cách mạng của Đảng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Đồng thời cán bộ báo chí với cây bút, trang giấy là những vũ khí sắc bén đã tham gia giám sát, phản biện, đóng vai trò quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Lực lượng phóng viên, báo chí trong thời gian qua đã luôn kiên định, giữ vững những giá trị cốt lõi của mình, đó là tính cách mạng, tính tiên phong, tính chủ động, sự chuyên nghiệp, sẵn sàng cống hiến, hy sinh để mỗi bài báo được lên khuôn. Với những ý nghĩa to lớn đó, nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, thay mặt tập thể Ban cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường Thứ trưởng Lê Công Thành gửi lời chúc mừng, chúc sức khỏe đến các đồng chí đang công tác tại các cơ quan quản lý báo chí, các cơ quan thông tấn, báo chí, các bạn phóng viên, biên tập viên và toàn thể đội ngũ làm công tác truyền thông, báo chí.
Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, trong xu thế tin tức hiện nay, chủ đề tài nguyên môi trường luôn là trọng tâm, được cộng đồng đặc biệt quan tâm, được các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương thường xuyên đăng, phát với dung lượng, thời lượng nhiều hơn, nội dung chuyên sâu hơn; đồng thời các cơ quan báo chí cũng đã thành lập, vận hành các chương trình, chuyên mục, chuyên trang, chuyên đề về tài nguyên và môi trường. Thứ trưởng nhấn mạnh: “Thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường, tôi đánh giá cao vị trí, vai trò quan trọng và chân thành cảm ơn các cơ quan thông tấn, báo chí đã góp phần không nhỏ trong quá trình lớn mạnh của ngành Tài nguyên và Môi trường”.
Đề cập đến nhiệm vụ của ngành, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết: Với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước thống nhất về bảo vệ môi trường, biển và hải đảo; trước thực trạng rác thải nhựa trên đất liền và đại dương đang là thách thức lớn đối với Việt Nam; suốt từ đầu năm 2018 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động nhiều phong trào chống rác thải nhựa nhằm từng bước thay đổi thói quen sinh hoạt, tiêu dùng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, giải quyết ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra, hướng tới một Việt Nam trong lành, phát triển bền vững.
Trong chuỗi hoạt động này, nhằm hưởng ứng Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục giao Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn Nhà báo với môi trường và biển đảo lần thứ III năm 2019 với chủ đề “Chống rác thải nhựa: Trách nhiệm quản lý - Truyền thông - Doanh nghiệp” để góp phần truyền tải các thông điệp về ô nhiễm rác thải nhựa hay được gọi là ô nhiễm trắng cả trên đất liền và đại dương. Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng nhằm mục đích kêu gọi sự chung tay của từng tổ chức, doanh nghiệp, người dân và các cơ quan truyền thông, báo chí trong công cuộc chống rác thải nhựa.
“Tại Diễn đàn, đại diện Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, một số cơ quan quản lý báo chí sẽ cung cấp, giới thiệu, làm rõ hơn thực trạng và đưa ra các định hướng, giải pháp nhằm giải thiểu rác thải nhựa; đồng thời, tôi cũng mong muốn các đại biểu tham dự phát biểu những đề xuất, giải pháp, sáng kiến nhằm kiểm soát hiệu quả ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, nhất là sản phẩm nhựa dùng một lần.” – Thứ trưởng Lê Công Thành nói.
Các giải pháp, kế hoạch hành động chống rác thải nhựa
Trao đổi về thực trạng, giải pháp chống rác thải nhựa và kế hoạch hành động của Tổng cục Môi trường sau Lễ ra quân toàn quốc phong trào “Chống rác thải nhựa năm 2019, TS.Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Việt Nam hiện nay có nguy cơ và phải chịu ảnh hưởng lớn từ rác thải nhựa. Nếu chúng ta không có biện pháp kịp thời để hạn chế, khắc phục tình trạng này thì hậu quả sẽ khó lường. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam mỗi năm phát thải khoảng 25 triệu tấn rác thải sinh hoạt/năm, trong đó rác thải nhựa khoảng 2 triệu tấn/năm. Tuy nhiên việc thu hồi rác thải nhựa hiện nay chưa cao, chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Trước thực trạng này, Chính phủ từ lâu đã có những quan tâm và chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng những đề án, kế hoạch nhằm giảm lượng rác thải nhựa.
Theo đó một số nhóm giải pháp nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý rác thải nhựa hiện nay, đồng thời thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chống rác thải nhựa cụ thể như sau: (1) Nhóm giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, nhân rộng các điển hình tiên tiến về hạn chế sử dụng túi nilon, rác thải nhựa; (2) Nhóm giải pháp về hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý rác thải nhựa; (3) Nhóm giải pháp về tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các Bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp trong triển khai phong trào chống rác thải nhựa; (4) Nhóm giải pháp tăng cường sự tham gia, giám sát của các tổ chức chính trị, xã hội, cơ quan thông tấn báo chí; (5) Nhóm giải pháp về phát triển công nghệ tái chế, xử lý rác thải nhựa, tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các vật liệu mới thay thế cho việc sử dụng túi nilon.
Thừa nhận về thực trạng biển và đại dương đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, điển hình nhất là ô nhiễm do rác thải nhựa đại dương; PGS.TS Vũ Sĩ Tuấn, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam đã có những cam kết chính trị mạnh mẽ và nhiều hoạt động thiết thực trong quản lý, giảm rác thải nhựa, trong đó có rác thải nhựa đại dương. Chính phủ hiện đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam là đơn vị trực tiếp thực hiện xây dựng Kế hoạch) và Bộ đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch vào ngày 17/6/2019. Để thực hiện mục tiêu trên, Kế hoạch đã đề xuất 7 nhiệm vụ: (1) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương; (2) Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý rác thải nhựa đại dương; (3) Ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương từ đất liền; (4) Ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương từ nguồn thải trên biển; (5) Tăng cường xã hội hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động làm sạch, thu gom rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương; (6) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về rác thải nhựa đại dương; và (7) Tăng cường hợp tác quốc tế về quản lý rác thải nhựa đại dương.
Nâng cao vai trò truyền thông trong phong trào chống rác thải nhựa
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Thu Hoài - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng để cuộc vận động chống rác thải nhựa đạt hiệu quả, công tác tuyên truyền cần tập trung vào nhiều nội dung khác nhau. trong đó, chú trọng ý nghĩa và tầm quan trọng của việc chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường sống không chỉ trong hiện tại mà còn về lâu dài... Đối tượng tuyên truyền phong trào chống rác thải nhựa là toàn xã hội, nhưng cần tập trung vào doanh nghiệp và hộ gia đình để họ chủ động giảm rác thải nhựa trong sản xuất kinh doanh và đời sống. Càng lan tỏa bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, nhưng cần tập trung những đối tượng để tác động mạnh mẽ hơn.
“Chúng tôi mong rằng các cơ quan báo chí nhận thức được tính cấp bách của việc bảo vệ môi trường nói chung, chống rác thải nhựa nói riêng để đưa ra kế hoạch tuyên truyền mang tính đậm nét, thường xuyên. Cùng với đó, tăng những tin bài mang tính thực tiễn, kinh nghiệm, phổ biến kiến thức khoa học, kinh nghiệm trong chống rác thải nhựa”- bà Nguyễn Thị Thu Hoài nói.
Nhà báo Hà Hồng, Trưởng ban Bạn đọc, báo Nhân Dân cho biết: “Vấn đề rác thải nhựa hiện nay rất nóng nên đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm phát động một cuộc thi về chủ đề chống rác thải nhựa. Bên cạnh đó ông cũng mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường có một đầu mối, tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin khi báo chí có vấn đề muốn tiếp cận về vấn đề chống rác thải nhựa. Bởi lẽ vấn đề chống rác thải nhựa không chỉ là nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường mà còn là nhiệm vụ của báo chí, truyền thông và toàn xã hội. Chúng ta cần chung tay để đẩy mạnh hơn nữa việc tuyền truyền sâu rộng tới quần chúng nhân dân tham gia vào chống rác thải nhựa trong tình hình hiện nay”.
Giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn sinh hoạt, sản phẩm nhựa dùng một lần
Em Lương Kỳ Duyên, Đại sứ Đại Dương Xanh năm 2019 cho biết: Trở thành Đại sứ Đại dương xanh là một vinh dự cũng trách nhiệm và sứ mệnh lớn lao đối với công cuộc bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển đảo. Hiện nay, em đang thực hiện dự án mang tên: “Cùng chung tay giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn sinh hoạt, sản phẩm nhựa dùng một lần tại các trường đại học trên phạm vi cả nước”. Trong đó tập trung xây dựng tài liệu tuyên truyền về các biện pháp có thể áp dụng để giảm thói quen tiêu thụ tài nguyên và hướng dẫn các biện pháp phân loại, tái chế, tái sử dụng đối với chất thải rắn sinh hoạt và tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần”. Ngoài ra, Đại sứ Đại Dương Xanh 2019 cũng phối hợp tổ chức tuyên truyền, ra quân hưởng ứng phong trào thu gom rác thải ở các khu vực ô nhiễm dành cho học sinh, sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng; phối hợp tổ chức Cuộc thi hùng biện “3R và sinh viên” dành cho sinh viên trong và ngoài Học viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội; phối hợp và giới thiệu về các sản phẩm thay thế cho nhựa và túi nilon tại các triển lãm, hội chợ …; tổ chức Cuộc thi ảnh “Thực hiện 3R thường nhật” trên Facebook; phối hợp phát động Cuộc vận động thực hiện 3R (Giảm thiểu - Tái chế - Tái sử dụng) khu vực nông thôn trên toàn quốc; xây dựng một Fanpage để tạo ra môi trường tương tác chung, nơi đó mọi người có thể chia sẻ những thông tin về bảo vệ môi trường, bảo vệ biển và hải đảo… “Tôi mong muốn dự án của mình sẽ góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân các vùng ven biển; thay đổi hành vi của người dân, thiết lập thói quen thực hiện việc giảm thiểu và xử lý đúng cách chất thải rắn sinh hoạt; thay đổi thói quen sử dụng nhựa dùng một lần; giảm ô nhiễm môi trường do các loại chất thải này và từ đó lan tỏa những hành động thân thiện với môi trường tới cả nước” – Đại sứ Đại dương xanh năm 2019 Lương Kỳ Duyên chia sẻ.
Ông Nguyễn Đình Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam chia sẻ: “Vấn đề ô nhiễm rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng ở Việt Nam hiện nay rất nan giải. Ở góc độ doanh nghiệp chuyên nghiên cứu công nghệ xử lý rác thải, ông cho rằng cần phải xác định quy hoạch chuẩn ở từng tỉnh cũng như toàn quốc. Thực tế, hiện có rất nhiều công nghệ trên thị trường, song cũng không ít công nghệ thất bại mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc phân loại rác thải. Chúng ta cần có quy chế, chế tài, chính sách đồng bộ với quy hoạch và công nghệ trong xử lý rác thải. Bên cạnh đó là việc tăng cường công tác tuyên truyền tới quần chúng nhân dân. Đây là việc làm cần thiết và yêu cầu sự kiên trì, cần mẫn cũng như trách nhiệm”.
Nhà báo Lý Thị Hồng Điệp, Phó Tổng biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường bày tỏ hy vọng Diễn đàn Nhà báo với Môi trường và biển đảo sẽ góp phần kéo gần khoảng cách hơn nữa giữa các cơ quan quản lý nhà nước, báo chí, doanh nghiệp với người dân trong cuộc chiến chống rác thải nhựa.
“Công tác tuyên truyền chống rác thải nhựa hiện nay vừa quan trọng vừa nhạy cảm nên Báo Tài nguyên và Môi trường muốn tổ chức Diễn đàn Nhà báo với Môi trường và biển đảo thường niên để có mối tương tác sâu rộng hơn giữa các cơ quan báo chí trong nhiệm vụ chống rác thải nhựa. Từ những tham luận, đóng góp của các đại biểu tham dự, Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng kết và báo cáo lãnh đạo Bộ. Chúng tôi hy vọng các cơ quan báo chí, truyền thông giúp thay đổi hành vi của người dân, đồng thời tiếp tục đồng hành với Báo trong các diễn đàn tiếp theo với nội dung sâu sắc hơn và có nhiều hành động hơn" - Bà Lý Thị Hồng Điệp nói
Cũng tại Diễn đàn, ông Hoàng Mạnh Hà, Tổng biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường đã trao Giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp có đóng góp tích cực trong phong trào chống rác thải nhựa.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn