Thủ tướng vừa phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 với nhiều giải pháp tăng cường tính minh bạch, hiệu quả của thuế tài nguyên, môi trường.
Tại Quyết định số 508/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, Chính phủ đưa ra hàng loạt các quy định về mở rộng đối tượng chịu thuế và lộ trình tăng thuế môi trường, tài nguyên, cũng như chỉ ra các mặt hàng được miễn, giảm các loại thuế này. Cụ thể, Chính phủ sẽ nghiên cứu mở rộng đối tượng chịu thuế môi trường đối với hàng hóa gây ô nhiễm. Đồng thời, điều chỉnh khung và mức thuế bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo chính sách thuế bảo vệ môi trường là một công cụ kinh tế quan trọng góp phần hạn chế việc nhập khẩu, sản xuất và sử dụng hàng hóa gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó là tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Trên cơ sở đó, nghiên cứu hoàn thiện theo hướng tăng mức điều tiết đối với đất và bổ sung thu thuế đối với nhà nhằm khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ nhà, đất, đảm bảo động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách nhà nước, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thông lệ quốc tế.
Trong khi đó, đất nông nghiệp sẽ tiếp tục được Chính phủ miễn thuế đến năm 2025 nhằm góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó là nghiên cứu sửa đổi quy định, giá tính thuế tài nguyên, sản lượng tài nguyên tính thuế; sửa đổi khung thuế, mức thuế và miễn, giảm thuế tài nguyên theo hướng minh bạch, rõ ràng, đảm bảo chính sách thuế tài nguyên tiếp tục là công cụ hữu hiệu để góp phần quản lý, bảo vệ tài nguyên, khuyến khích sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, khuyến khích chế biến sâu, nâng cao giá trị tài nguyên. Đối với thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để thúc đẩy xuất khẩu, khuyến khích gia tăng giá trị nội địa, hạn chế xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản thô…