Trong thời gian qua, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP được ban hành đã tạo sự chuyển biến tích cực đối với người dân và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã có ý thức khắc phục ngay các tồn tại, vi phạm; đã quan tâm đầu tư hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường và vận hành thường xuyên hệ thống xử lý chất thải đạt QCVN; thu gom, quản lý, xử lý chất thải… Ý thức bảo vệ môi trường (BVMT) của doanh nghiệp được nâng lên, môi trường tại các khu công nghiệp, khu sản xuất, kinh doanh từng bước được cải thiện. Đối với người dân, việc quy định thẩm quyền lập biên bản và xử phạt các vi phạm về xả thải tại các khu vực đô thị, khu dân cư, khu vui chơi, giải trí… cũng đã góp phần nâng cao ý thức và nhận thức của người dân về thu gom, phân loại, xử lý rác, giữ gìn vệ sinh môi trường ở các khu đô thị, khu dân cư và nơi công cộng.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị định số 155/2016/NĐ-CP còn một số tồn tại, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế hiện nay, cụ thể như: Còn thiếu các quy định đình chỉ cơ sở không có Kế hoạch bảo vệ môi trường thuộc đối tượng cấp huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; thiếu quy định về thực hiện không đúng, không đầy đủ chương trình giám sát môi trường trong Kế hoạch bảo vệ môi trường, Đề án bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền xác nhận của UBND cấp huyện; không có quy định xử phạt đối với hành vi không thực hiện giám sát môi trường định kỳ; đối với nội dung vi phạm các quy định về hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, cần sửa đổi, bổ sung đối với hành vi không đầu tư đầy đủ thay vì đối với hành vi không đầu tư trang thiết bị ứng phó sự cố tràn dầu; một số hành vi ngoài việc áp dụng hình thức xử phạt chính nhưng chưa được quy định áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động dẫn đến các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường,…
Đặc biệt, Nghị định còn đang thiếu quy định về xử phạt đối với hành vi không thực hiện giám sát môi trường định kỳ theo quy định đối với các hồ sơ: Kế hoạch bảo vệ môi trường, Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) thuộc thẩm quyền xác nhận, phê duyệt của Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế (được UBND cấp tỉnh ủy quyền), Bộ Tài nguyên và Môi trường...
Bên cạnh đó, ngày 13/5/2019 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Nhiều quy định tại các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường (như Nghị định số 18/2015/NĐ-CP, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP và Nghị định số 127/2014/NĐ-CP) đã được sửa đổi, bổ sung. Do vậy, việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP là yêu cầu cấp bách, đảm bảo đồng bộ với các quy định hiện hành.
Dự thảo Nghị định sửa đổi dự kiến sẽ bổ sung thêm phạm vi điều chỉnh các hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; bổ sung, làm rõ đối tượng áp dụng của Nghị định, trong đó bổ sung quy định rõ tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhằm khắc phục vướng mắc trong việc xác định đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính; xác định rõ các hành vi như: Không có Báo cáo đánh giá tác động môi trường, không có Kế hoạch bảo vệ môi trường, Đề án bảo vệ môi trường, không có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường…; làm rõ hơn cách xác định mức phạt; bổ sung thêm trường hợp đối với mẫu nước thải hoặc bụi, khí thải có cả thông số môi trường nguy hại và các thông số thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật hoặc giá trị pH nằm ngoài ngưỡng quy chuẩn kỹ thuật thì chọn thông số tương ứng với hành vi vi phạm có khung phạt tiền cao nhất của mẫu nước thải hoặc bụi, khí thải để xử phạt; trường hợp có khung phạt bằng nhau thì thông số nguy hại là thông số để xác định hành vi vi phạm; bổ sung quy định về sử dụng kết quả thu bằng thiết bị, hệ thống quan trắc tự động, liên tục khí thải, nước thải để làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính,…
Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng được sửa đổi, bổ sung các mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, phân rõ các nhóm hành vi vi phạm đối với cá nhân; cập nhật dự án đầu tư theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt; thông báo cho cơ quan nhà nước trong trường hợp thay đổi chủ dự án; rà soát, cải tạo, nâng cấp các công trình xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đối với trường hợp trước đây không phải thực hiện thủ tục kiểm tra xác nhận hoàn thành…
Sau khi nghe ý kiến tham gia của các đại biểu tham gia cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, qua thực tế triển khai Nghị định số 155/2016/NĐ-CP còn nhiều bất cập và nhất là khi Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, đặc biệt là Bộ luật Hình sự năm 2015 với các các quy định liên quan đến môi trường có hiệu lực thì Nghị định số 155/2016/NĐ-CP cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và đồng bộ với các quy định hiện hành là hết sức cần thiết. Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng nội dung dự thảo Nghị định. “Nghị định sửa đổi cần bám sát các quy định pháp luật mới ban hành, sửa đổi, bổ sung những bất cập, vướng mắc của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP để đưa Nghị định thực sự đi vào cuộc sống”- Thứ trưởng nhấn mạnh.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn